Báo Quân giải phóng và câu chuyện làm báo trong chiến tranh
Chỉ trong 12 năm, những người làm báo Quân giải phóng đã cho ra đời 338 số với hàng nghìn tin bài phản ánh mọi hoạt động của quân và dân miền Nam từ năm 1963-1975. Đó là một kỳ tích.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày ra đời của báo Quân giải phóng (1/11/1963-1/11/2023), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách “Báo Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam (1963-1975)” của Đại tá, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hồ Sơn Đài.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/11/1963, báo Quân giải phóng - cơ quan của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, tiếng nói của các lực lượng Vũ trang Nhân dân giải phóng Miền Nam phát hành số đầu tiên, khởi đầu quá trình hoạt động đến ngày đất nước hòa bình thống nhất.
Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, việc viết được một bài báo và chuyển tay bài báo ấy (xé từ cuốn sổ học trò trăm trang) về tòa soạn đã khó, việc in ấn ra tờ báo để phát hành đến từng trung đội Quân giải phóng trên toàn miền càng khó hơn.
[Nhà báo Phạm Đức Yên và ký ức một thời làm phóng viên chiến trường]
Vậy mà chỉ trong 12 năm, những người làm báo Quân giải phóng đã cho ra đời được 338 số. Đó là một kỳ tích. Báo có đủ tất cả chuyên mục: xã luận, bình luận, thông cáo báo chí, tin tức thời sự, phóng sự, ghi chép, tường thuật, tổ tiên ta đánh giặc, gương người tốt việc tốt, tùy bút, thơ, tranh, biếm họa…
Trong 338 số báo, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo đã công bố hàng nghìn tin bài (chưa kể hàng trăm bài khác được đăng trên các báo Giải phóng, Quân đội Nhân dân, Nhân dân, Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam…) phản ánh mọi hoạt động của quân và dân miền Nam từ năm 1963 đến năm 1975.
Đó là những bài báo quán triệt chủ trương, nhiệm vụ đấu tranh trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể; phổ biến các tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, những thông tin tri thức, bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang; là những bài báo tố cáo bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn, khích lệ nhân dân và lực lượng vũ trang vượt qua mọi gian nan thử thách, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Hoạt động của báo Quân giải phóng đã thực sự trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành mũi đấu tranh chính trị trong phương châm "hai chân, ba mũi, ba vùng;" một vũ khí tin cậy, sắc bén của Quân ủy, Bộ Tư lệnh, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa.
Để thực hiện được cuốn sách này, Đại tá, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hồ Sơn Đài đã dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng.
Qua hơn 400 trang sách, tác giả đã tái hiện được quá trình ra đời từ số đầu tiên đến số xuất bản cuối cùng ngày 15/10/1975 của báo Quân giải phóng.
Đại tá, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hồ Sơn Đài tâm sự: vượt qua mọi khốc liệt, hàng nghìn tin, bài viết tay trên các trang giấy xé từ tập vở trăm trang nhòe máu từ mặt trận gửi về xưởng in đang liên tục di chuyển trong các cánh rừng, rồi từng tờ báo lần lượt rời xưởng in đến tay người đọc.
Cũng như những phương tiện truyền thông khác lúc bấy giờ như báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, nội dung của báo Quân giải phóng phản ánh, quy chiếu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam từ hướng tiếp cận của những người lính cách mạng-nhà báo.
Gần nửa trong số họ đã ra đi trước và sau ngày Ba mươi tháng Tư. Tôi viết cuốn sách nhỏ này, phần để góp tư liệu cho nỗ lực phục dựng lịch sử Việt Nam thời hiện đại, phần để tri ân các cựu cán bộ, phóng viên, nhân viên, những người giờ đây dù tuổi đã trên, dưới tám mươi, vẫn vẹn nguyên niềm tự hào một thời làm báo Quân giải phóng./.