Báo Mỹ: Việt Nam đang trở thành “nam châm” hút FDI ở Đông Nam Á
Giám đốc Điều hành của Source of Asia dẫn báo cáo của EuroCham cho hay: “Đã có thêm 3% các nhà lãnh đạo (doanh nghiệp) ‘xếp’ Việt Nam vào một trong ba lựa chọn đầu tư hàng đầu của họ."
Môi trường đầu tư “thân thiện” đang giúp Việt Nam trở thành một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Đó là nhận định của tác giả Simon Littlewood trong bài viết “Việt Nam’s Great Expectations” (Tạm dịch: “Những Kỳ vọng Lớn lao của Việt Nam” - được đăng tải trên Tạp chí Global Finance (Tài chính Toàn cầu) của Mỹ tuần trước.
Theo tác giả, Việt Nam có nhiều điểm “ưa thích” đối với dòng vốn nước ngoài. Bên cạnh tình hình nhân khẩu học thuận lợi, chi phí nhân công thấp cùng lực lượng lao động đông đảo được đào tạo tốt, khả năng tiếp cận trực tiếp các thị trường rộng lớn như Trung Quốc và ASEAN cũng là một lợi thế.
Thierry Mermet, Giám đốc Điều hành của Source of Asia (SOA) - chuyên gia tư vấn cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và ASEAN - cho biết: “Triển vọng năm 2023 về môi trường kinh doanh ở Việt Nam cho thấy những dấu hiệu cải thiện đầy hứa hẹn.”
Theo ông Mermet, vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD trong quý 1 năm nay - tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và SOA kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục khả quan. “Các công ty thật sự đang mong đợi những mức FDI tương tự tiếp tục đổ vào [Việt Nam].”
Ông Mermet nhận định Việt Nam đang thực sự khẳng định vị thế của mình là một trong những điểm đến hàng đầu mà các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư.
Giám đốc Điều hành của SOA dẫn báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: “Đã có thêm 3% các nhà lãnh đạo ‘xếp’ Việt Nam vào một trong ba lựa chọn đầu tư hàng đầu của họ. Đây là chỉ báo vững chắc cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng.”
[HSBC: Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng]
90 quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Top 5 trong số đó là các nước châu Á. Hàn Quốc đứng ở vị trí đầu tiên với 81 tỷ USD, Singapore xếp thứ hai với 72 tỷ USD, và Nhật Bản ở vị trí thứ ba với số vốn cam kết gần 70 tỷ USD.
Ông Mermet cho biết thêm Tập đoàn Y tế Thomson - một trong những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân cho phụ nữ và trẻ em lớn nhất của Singapore - chuẩn bị mua Bệnh viện FV tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Thương vụ trị giá 381 triệu USD này không chỉ mở ra sự hiện diện của Thomson tại thị trường Việt Nam cho Thomson mà còn giúp nhà cung cấp Singapore “tận dụng các cơ hội du lịch chữa bệnh đang phát triển ở các quốc gia láng giềng.”
Theo tác giả Littlewood, một dấu hiệu nữa cho thấy sức hút của Việt Nam, đó là nhà sản xuất xe điện VinFast gần đây đã trở thành nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường, chỉ sau các “ông lớn” Tesla của Mỹ và Toyota của Nhật Bản.
Tác giả dẫn lời Barry Elliott, Phó Chủ tịch của Tomkins Ventures và là nhà cung ứng “gạo cội” tại Việt Nam, cho hay: “Với cổ phiếu tăng vọt 20%, mức định giá của VinFast đạt mức ấn tượng 191,2 tỷ USD. Điều này không chỉ báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp xe điện ở Đông Nam Á nói chung mà còn thể hiện năng lực sản xuất mới nổi của Việt Nam.”
Phó Chủ tịch Elliott lưu ý kể từ năm 2020, Việt Nam càng khẳng định là một trong những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp Nhật Bản khi nhiều công ty của Nhật Bản chuyển hướng đưa các cơ sở sản xuất của mình sang khu vực ASEAN, và “xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.”
Bài viết trên Global Finance cũng nhận định Mỹ đang tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, trong bối cảnh lãnh đạo hai nước tháng Chín này đã ra Tuyên bố Chung nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện - trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Tinh thần “làm được”
Trong chuyến đi gần đây tới Thành phố Hồ Chí Minh, Jacqueline Poh, Giám đốc Điều hành Ban Phát triển Kinh tế Singapore đã gặp gỡ các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, robotic và năng lượng tái tạo. Bà Poh ghi nhận sức ảnh hưởng to lớn của một cộng đồng hải ngoại trở về với những kinh nghiệm sâu sắc từ nước ngoài.
“Tất cả đều có tinh thần ‘làm được,’ hỗ trợ lẫn nhau và can đảm. Sự kết hợp mạnh mẽ của những yếu tố này đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi cho địa phương” - bà Poh cho hay.
Carsten Ley, Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành của Asia PMO - chuyên tư vấn cho các công ty hoạt động tại Việt Nam - nhận định Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị từ những mặt hàng như giày dép, hàng may mặc… sang công nghệ cao, có thể kể đến các công ty Fintech của Việt Nam như các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Momo, ZaloPay và VNPay, cũng như các công ty khởi nghiệp nước ngoài.
“Chi tiêu vốn sẽ tăng trưởng nhanh chóng, phản ánh đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nước tiếp tục mạnh mẽ” - ông Ley nói./.