Bảo hiểm nhân thọ: Lắp “tay vịn cho cầu thang” không chỉ để trang trí
Các hợp đồng bảo hiểm đều đảm bảo xu hướng chính là bảo vệ và được thiết kế để cung cấp một quyền lợi tài chính, thường là thanh toán một lần trong trường hợp xảy ra một sự cố.
Lời tòa soạn!
Đánh giá về vai trò của bảo hiểm trong đời sống, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lấy hình ảnh so sánh "cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn."
Nếu như tay vịn cầu thang giúp cho mọi người di chuyển có thể bám vào và lên xuống dễ dàng hơn, thì sản phẩm bảo hiểm là phương thức bảo vệ, giúp các cá nhân, tổ chức quản lý rủi ro có thể xảy ra ngẫu nhiên với mình và gây ra những tổn thất về tài chính, sức khỏe, tính mạng.
Trên thực tế, các hợp đồng bảo hiểm đều đảm bảo xu hướng chính là bảo vệ và được thiết kế để cung cấp một quyền lợi tài chính, thường là thanh toán một lần trong trường hợp xảy ra một sự cố, đổi lại bên mua cần đóng phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Về bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm có thể được thiết kế tích hợp thêm một số quyền lợi tài chính để khách hàng có cảm giác là không bị “mất” khoản phí bảo hiểm mà mình đã đóng khi hợp đồng kết thúc, quyền lợi tài chính này có thể tương tự với gửi tiết kiệm. Hoặc, những khách hàng chấp nhận được “khẩu vị” rủi ro hơn, quyền lợi tài chính có thể sẽ được chia sẻ lợi tức (hay rủi ro nếu thua lỗ) từ hoạt động đầu tư của công ty bảo hiểm. Mục tiêu của các chính sách đầu tư này nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng nguồn tài chính từ phí bảo hiểm.
Tại Việt Nam, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã có mặt và phát triển được gần 30 năm. Theo Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, cả nước có 19 doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trên 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe khác nhau.
Hiện ngành bảo hiểm đang quản lý trên 14 triệu hợp đồng có hiệu lực, giải quyết việc làm cho hơn 900.000 đại lý và người lao động. Tính đến 30/4, tổng tài sản trong ngành bảo hiểm đạt hơn 849 nghìn tỷ đồng, khẳng định vị thế là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng, khi đã đầu tư trở lại nền kinh tế trên 708 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, các doanh nghiệp bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ đầu tư 643 nghìn tỷ đồng và doanh nghiệp phi nhân thọ là 65 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, riêng trong 4 tháng của năm 2023, các công ty bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm gần 24 nghìn tỷ đồng, trong đó bảo hiểm nhân thọ chi trả trên 16 nghìn tỷ đồng…
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công luận có phản ánh một số ý kiến cho rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ có những “góc khuất” và gây ra những thiệt hại về tài chính cho một số khách hàng mua bảo hiểm. Luồng thông tin này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận khách hàng đang tham gia mua bảo hiểm và tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của ngành bảo hiểm nói chung; đặc biệt là đời sống, tâm lý của những người lao động đang làm trong lĩnh vực tư vấn bảo hiểm.
Để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, mời bạn đọc đón đọc loạt bài: Bảo hiểm nhân thọ: Lắp “tay vịn cho cầu thang” không chỉ để trang trí
Bài 1: Mua bảo hiểm nhân thọ: Khi mục tiêu chính bị ‘lãng quên’
Tay vịn cầu thang và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có điểm tương đồng về tính năng bảo vệ an toàn cho con người. Tuy nhiên, “tính năng chính là bảo vệ” của cả tay vịn cầu thang và bảo hiểm nhân thọ lại dễ bị xếp vào những góc “lãng quên” trong tâm trí.
Trong đời sống, mỗi khi lên xuống cầu thang, chúng ta vẫn thường sử dụng tay vịn song sự quan tâm có thể tập trung nhiều hơn vào các loại kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu hơn là tính năng an toàn của chúng. Tương tự, tâm lý khi mua bảo hiểm nhân thọ mặc dù đều biết là để bảo vệ, nhưng hầu hết không ai mong chờ thanh toán cho những sự cố bất ngờ xảy ra.
Bỏ tiền mua “sự an tâm,” sao lại biến thành “bất an”?
Trong một sự kiện báo chí, nhóm phóng viên đang tác nghiệp bất ngờ chú ý đến một đồng nghiệp-nhà báo Lưu Thúy D, sống tại Hà Đông, Hà Nội có cuộc trao đổi điện thoại khá căng thẳng. Câu chuyện qua lại cho thấy nhà báo D đang rất lo lắng về tình trạng tiền gửi tích lũy trong một hợp đồng bảo hiểm sau 5 năm.
Sau đó, nhà báo Thúy D chia sẻ đã gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng trong nhiều năm và khá thân thuộc với các nhân viên tại chi nhánh Hà Đông của ngân hàng này. Năm 2018, một nhân viên ngân hàng đã khuyên và tư vấn cho chị D dành một khoản tiền chuyển sang sản phẩm mới tích lũy đầu tư, nhằm có một khoản tài chính cho con đi học sau này với mức lợi nhuận kỳ vọng sẽ cao hơn lãi gửi tiết kiệm. Không do dự, chị D đã ký khống vào các loại chứng từ, giấy tờ cho nhân viên ngân hàng. Ít ngày sau, chị D nhận được một hợp đồng bảo hiểm song không đọc và cất luôn vào tủ.
[Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 700 nghìn tỷ đồng]
Đến trung tuần tháng Tư này, khi các phương tiện truyền thông đưa tin một số khách hàng phản ánh về tình trạng hợp đồng bảo hiểm của họ, chị D mới mở hợp đồng ra xem và “tá hỏa” rằng khoản đầu tư này không có tính chất tích lũy “an toàn” như tiền gửi tiết kiệm. Chị D liền gọi điện đến công ty bảo hiểm theo chỉ dẫn trong hợp đồng và được biết nếu rút tiền sẽ bị trừ một khoản phí. Thêm vào đó, hai năm nay, thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm nên khoản lợi nhuận từ phí bảo hiểm phân bổ vào quỹ liên kết bị sụt giảm mạnh. Hiện chị D đã đóng được 125 triệu đồng sau 5 năm và nếu hủy hợp đồng trong tháng 4/2023 sẽ nhận được khoảng 80 triệu đồng.
Chị D hoàn toàn ngỡ ngàng về điều này và khẳng định: “Khi đóng tiền vào sản phẩm, tôi không có ý định mua bảo hiểm cũng như quan tâm đến các quyền lợi được bảo hiểm nêu trong hợp đồng. Do đó, tôi không thể chấp nhận khoản phí bảo hiểm được phân bổ trong các năm đầu như trên hợp đồng.”
Theo chị D, nguyên nhân của sự bất an trên là do nhân viên tư vấn của ngân hàng đã không trao đổi rõ ràng đây là một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và mục tiêu là bảo vệ, mà thay vào đó lại tư vấn thành sản phẩm tích lũy đầu tư của ngân hàng và cho tỷ suất sinh lời cao hơn so với việc gửi tiết kiệm. Trong khi đó, chị D cho biết đã quá tin tưởng mà không đọc các nội dung trên hợp đồng.
Chia sẻ với quan điểm trên, chị Nguyễn Thu H, nguyên Giám đốc kiểm toán của một trong bốn hãng kiểm toán nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam, cho hay chị đang gửi tiền tiết kiệm tại chi nhánh của một ngân hàng nước ngoài và nhân viên của ngân hàng này đã tư vấn cho chị mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư.
Chị H cũng mua một sản phẩm tương tự với nhà báo D. Tuy nhiên, trong trường hợp của mình, chị H cho rằng phía ngân hàng và công ty bảo hiểm làm việc rất kỹ. Hơn nữa, hợp đồng bảo hiểm sau khi được ký kết, nhân viên của công ty bảo hiểm gọi điện thường xuyên cho chị và hỏi có được tư vấn kỹ càng về sản phẩm, có hiểu sản phẩm bảo hiểm đầu tư là gì và có nắm được rủi ro ở chỗ nào không... Trên cơ sở thông tin có được, chị H cho biết rất yên tâm với hợp đồng bảo hiểm đã mua.
Mặt khác, chị Nguyễn Thu H chia sẻ có con trai (17 tuổi) sắp đi du học, do đó muốn mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để con của chị có thể được bảo vệ về tài chính lâu dài. Trên cơ sở đó, chị H đã chọn mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đứng tên con trai, có giá trị 82 năm với thời gian đóng phí dự định từ 20-25 năm.
“Nhân viên tư vấn rất rõ nên tôi chỉ cần cân đối tài chính để xác định mức đóng hàng năm phù hợp, vì đây là hợp đồng kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, hợp đồng này có liên kết đầu tư và có thể đóng phí linh hoạt. Những năm đầu, tôi có thể phải đóng cao hơn, nhưng tính trong thời gian dài thì có lợi hơn,” chị H nói.
Cần hiểu rõ và đúng về hợp đồng bảo hiểm
Trao đổi về nội dung và cách thức của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chị Nguyễn Thu H nhấn mạnh hầu hết những hợp đồng về tài chính, tín dụng, kinh tế… đều khá dài chứ không riêng chỉ có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Ngay như với mình, chị H thành thật chia sẻ cũng không đọc hết tất cả các trang trong quyển hợp đồng. Chị cơ bản chỉ đọc những những nội dung liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi. Trên cơ sở đó có điều gì không hiểu, chị H hỏi trực tiếp nhân viên tư vấn và xem nội dung này nằm ở đâu trong hợp đồng.
Về điều này, nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ chia sẻ thường không đọc hết các nội dung nêu trong hợp đồng. Một vài ý kiến cho rằng do hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện quá dài quá và lên tới 80-100 trang.
Song, luật sư Lê Anh Tuấn, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm khẳng định hợp đồng bảo hiểm dài, song hợp đồng nào cũng lên tới 80-100 trang là không chính xác. Ông Tuấn cho biết một hợp đồng bảo hiểm bao gồm nhiều cấu phần, như hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, đây là thông tin khách hàng cung cấp và tự điền vào, bảng minh họa hợp đồng bảo hiểm, chi tiết các quyền lợi và phí bảo hiểm cần đóng, chứng nhận bảo hiểm, quy tắc điều khoản của từng sản phẩm bảo hiểm mà khách hàng chọn mua.
Theo ông Tuấn, một hợp đồng bảo hiểm có thể có nhiều hơn một sản phẩm bảo hiểm, như có 1 sản phẩm bảo hiểm chính và các sản phẩm bổ sung. Nội dung các điều khoản sản phẩm bảo hiểm chính thường có các điều khoản chung áp dụng cho cả hợp đồng nên có thể dài từ 10-40 trang (tùy loại sản phẩm) và các sản phẩm bổ sung (tùy sản phẩm và quyền lợi) dài từ 7-10 trang.
“Số lượng sản phẩm và quyền lợi tại hợp đồng bảo hiểm sẽ xác định độ dày hay mỏng, dài hay ngắn của hợp đồng. Hơn nữa, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài và Việt Nam về cơ bản là tương tự,” ông Tuấn chia sẻ.
Trên thực tế khi mua bảo hiểm nhân thọ, phần quy tắc, điều khoản sản phẩm sẽ do công ty bảo hiểm soạn sẵn. Trong khi, những hợp đồng thường này thường khá dày và không dễ hiểu, khiến cho một số khách hàng lo ngại có thể có “bẫy câu chữ” đối với họ.
Lý giải cụ thể cho khúc mắc này, ông Ngô Trung Dũng Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết về cơ bản các điều khoản chung của hợp đồng bảo hiểm đều được soạn theo các thông lệ của thị trường bảo hiểm quốc tế (vì các doanh nghiệp bảo hiểm đôi khi còn phải làm việc với các nhà tái bảo hiểm) và cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
“Chỉ riêng một số điều khoản cụ thể của hợp đồng, như số tiền bảo hiểm, thời gian đóng phí, các quyền lợi bảo hiểm bổ sung… là do khách hàng lựa chọn và điền vào mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm,” ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cần tìm hiểu và lựa chọn đúng các nội dung nêu trên. Như vậy, các quyền lợi bảo hiểm của hợp đồng và thời gian đóng phí sẽ đảm bảo phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng tài chính của khách hàng.
Mặt khác, ông Matthew Hunt, Phó tổng giám đốc Quản trị rủi ro tại Công ty bảo hiểm Prudential, cũng cho biết khách hàng tham gia bảo hiểm cần phù hợp với mục tiêu của mình là điều đầu tiên, người đại lý cần đánh giá các điều kiện của khách hàng, tiến hành phân tích nhu cầu tài chính, để từ đó giới thiệu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp.
Theo ông Matthew Hunt, công ty bảo hiểm cần cung cấp thông tin một cách chi tiết trong hợp đồng bảo hiểm để giúp khách hàng hiểu rõ điều khoản hợp đồng của mình. Bởi, hợp đồng bảo hiểm là một cam kết dài hạn từ cả hai phía là khách hàng và công ty bảo hiểm. Do đó, các điều khoản trong hợp đồng là để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của cả hai bên.
“Tôi cũng khuyến khích khách hàng trao đổi thẳng thắn và tìm hiểu thật kỹ, đặt câu hỏi cho tư vấn viên. Tham gia bảo hiểm là một quyết định quan trọng hơn nhiều so với việc mua một chiếc điện thoại hay xe máy mới,” ông Matthew nói./.
Bài 2: Quản trị rủi ro trong ngành bảo hiểm nên bắt đầu từ đâu?