Bảo đảm an ninh biên giới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, đến hết quý 3 năm 2024, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tại tỉnh tăng 85 vụ so cùng kỳ năm 2023.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là cửa khẩu đường bộ lớn nhất phía Nam giữa Việt Nam và Campuchia. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240 km tiếp giáp với 3 tỉnh Tbông Khmum, Prây Veng và Svay Riêng thuộc Vương quốc Campuchia.

Tỉnh nằm trên tuyến đường từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Cửa khẩu Mộc Bài, nối với Thủ đô Phnôm Pênh-Vương quốc Campuchia, là đầu mối giao thông quan trọng về kinh tế, đối ngoại của đất nước, với lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua lại lớn.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, tình hình tội phạm trên tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Qua đấu tranh triệt phá nhiều vụ án về ma túy thời gần đây, hoạt động của các đường dây vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp có sự dịch chuyển về phía biên giới Việt Nam-Campuchia. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.

Đại tá Cao Xuân An, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh thông tin, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Campuchia để ngăn chặn hoạt động phạm pháp.

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp và sự tinh vi của các đối tượng, việc đấu tranh chống các loại tội phạm này vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hùng Thái, ngày 30/8/2024, Công an tỉnh đã thành lập 12 tổ công tác đặc biệt phối hợp tuần tra trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật ở tỉnh.

Các tổ công tác đã xây dựng kế hoạch tuần tra, xác định những tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là khu vực đông dân cư, khu vui chơi, giải trí hoạt động về đêm... nhằm phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Tình hình an ninh, trật tự trên toàn tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy về công tác quốc phòng - an ninh, chuẩn bị điều kiện tổ chức diễn tập chống khủng bố năm 2024 bảo đảm thiết thực, hiệu quả và sát với tình hình thực tế; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình khu vực phòng thủ bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhất là tăng dày 5 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới.

Tỉnh cũng thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phân giới cắm mốc.

Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan và chính quyền địa phương phối hợp đấu tranh với tội phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm cho nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới.

Đồng thời vận động nhân dân không tiếp tay cho tội phạm; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; hợp tác với lực lượng chức năng giáp biên để trao đổi thông tin, truy quét tội phạm ma túy hai bên biên giới.

Cán bộ Hải quan kiểm tra niêm phong thùng container trước khi thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Các địa phương kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ; phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, đến hết quý 3 năm 2024, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tại tỉnh tăng 85 vụ so cùng kỳ năm 2023, trong đó tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 292 vụ, tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra 87.

Đặc biệt, đối tượng phạm tội là thanh, thiếu niên có chiều hướng tăng, các nhóm tụ tập đêm khuya, phát sinh mâu thuẫn dùng hung khí tự chế đánh nhau gây thương tích, có vụ dẫn đến tử vong.

Tình hình hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Ninh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các chủ hàng với nhiều quốc tịch khác nhau lợi dụng giao thương giữa hai nước đã thuê các đối tượng người Campuchia hoặc người Việt Nam sống ở hai bên biên giới, thông thạo địa hình, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nghiện ma túy, thua cờ bạc… để lôi kéo vào đường dây vận chuyển ma túy về Việt Nam qua các đường mòn, lối mở.

Đồng thời ứng dụng các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao vào vận chuyển, mua bán, giao nhận, vận chuyển ma túy qua biên giới...

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã đấu tranh, phá nhiều chuyên án vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam thu giữ trên 32kg ma túy; 1 chuyên án vận chuyển hàng hóa nhập lậu, thu giữ 6.500 bao thuốc lá lậu; 10 vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo nổ, thu giữ 2 tấn pháo; bắt 2 đối tượng cầm đầu nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…/.