Băn khoăn "quy đồng mẫu số" điểm chuẩn trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học

Điểm ở mọi phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung để xét tuyển là một trong những điểm mới quan trọng nhất trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ 2025.

Các thí sinh tại điểm thi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Điểm trúng tuyển xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ. Điểm xét tuyển, điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non sửa đổi, áp dụng từ năm 2025. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc “quy đồng mẫu số” giữa các phương thức xét tuyển là khó khả thi và không hợp lý.

Thiếu khoa học?

Cho rằng việc Bộ cần sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học để khắc phục những bất cập và phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là cần thiết nhưng Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng việc quy đổi điểm xét tuyển ở tất cả các phương thức về một thang điểm là không hợp lý.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết hiện có nhiều phương thức xét tuyển, nhiều kỳ thi được sử dụng kết quả để tuyển sinh như thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa, các kỳ thi chuẩn hoá quốc tế như SAT, thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, thi tốt nghiệp trung học phổ thông… Mỗi kỳ thi cấu trúc, định dạng đề thi hoàn toàn khác nhau, là những hệ tọa độ khác nhau cho nên không thể quy về một điểm.

Phân tích cụ thể hơn, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết tỷ lệ trọng số môn Toán trong bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 50%, của bài thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là 60%, trong khi ở bài thi của một số đơn vị khác chỉ chiếm 30%.

“Ngay đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã là sự khác biệt rất lớn và hai trung tâm khảo thị này cũng rất muốn để quy về một điểm, đã từng cùng thảo luận với nhau về vấn đề này nhưng vẫn không thực hiện được. Nếu quy về một đầu điểm sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh bằng phần mềm nhưng về quan điểm khoa học, tôi cho rằng quy về một đầu điểm là không hoàn toàn khoa học, không hoàn toàn chính xác,” Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, một học sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi trung học phổ thông với các em đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi đánh giá của các đại học là hoàn toàn khác biệt. Trong kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia, đạt 110/150 điểm đã là rất khó, rất xuất sắc trong khi kỳ thi tốt nghiệp, đạt 29/30 điểm là bình thường.

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Là thí sinh đang ôn luyện để tham dự bài thi SAT, Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay đề thi SAT khá khó và có tính chất, phạm vi kiến thức khác với kỳ thi tốt nghiệp cũng như các kỳ thi đánh giá năng lực. Đây cũng là chia sẻ của Lê Thanh Sơn, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội). “Em không đồng tình với điểm này của dự thảo quy chế vì nếu quy về một thang điểm sẽ không đánh giá đúng năng lực của các thí sinh khi cùng xét tuyển,” Sơn nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

Chia sẻ về việc quy định “điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo” trong dự thảo quy chế, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiêu chí đánh giá đầu vào tuyển sinh cho chùng một chương trình, một ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau, so sánh được các thí sinh khi các em cùng ứng tuyển.

“Việc quy đổi điểm chuẩn về một điểm thống nhất nhằm giúp các trường lựa chọn được phương thức xét tuyển phù hợp nhất chứ không phải ngày càng gia tăng số lượng phương thức xét tuyển đồng thời cũng phải so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được những thí sinh xuất sắc nhất, phù hợp với ngành đào tạo,” bà Thuỷ nói.

Cũng theo bà Thuỷ, trong những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.

Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.

Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh lần này quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trung tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.

Dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi để bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung nhưng không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. Các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Hiện dự thảo quy chế vẫn đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi ban hành chính thức./.