Ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Các đơn vị liên quan siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách.
Ngày 30/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Mục tiêu của Chương trình là thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các nhiệm vụ trọng tâm
Chương trình hướng đến thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đã được Quốc hội đề ra để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD/người.
Chương trình tập trung rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế-kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn; sửa đổi, bổ sung định mức chi tiêu công, tài sản công, xe công, khoán chi, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản.
Các đơn vị liên quan siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó là phấn đấu cân đối nguồn lực để thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Thực hiện rà soát toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2021 để hủy bỏ, thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định.
[Quyết liệt thực hành tiết kiệm - Nâng cao hiệu quả đầu tư công]
Chương trình đề cập đến tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2023; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp; đẩy mạnh triển khai thi hành có hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các bên liên quan tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Một số chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực
Năm 2023 thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa-ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua. Thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm năm 2023 đối với các bộ, cơ quan Trung ương; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023…
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Trong quản lý, sử dụng tài sản công: Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; có giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích…
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ giai đoạn 2021-2025…
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp: Xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại các doanh nghiệp. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát…
Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026…
Quyết định nêu rõ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 cần bám sát các nhóm giải pháp nêu tại Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ giai đoạn 2021-2025.
Cần chú trọng vào các nhóm giải pháp: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường công tác tổ chức trên các lĩnh vực; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.