Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xử lý nhiều vụ việc qua đường dây nóng

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia 389, năm 2022 các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 3.527 vụ vi phạm xử phạt hành chính 3.510 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 49,31 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường Nghệ An tăng cường kiểm tra hàng buôn lậu, gian lận thương mại. (Ảnh: Bích Huệ /TTXVN)

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân không bao che, tiếp tay, tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo của tổ chức, cá nhân, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã thực hiện việc tiếp nhận và xử lý nhiều vụ việc qua đường dây nóng gồm hai số điện thoại 0981389389 và 0961 389 389; email: bcd@customs.gov.vn.

Thời gian qua, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia quản lý) đã tiếp nhận và xử lý nhiều tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng nhái từ phản ánh của tổ chức, doanh nghiệp, người dân đã góp phần vào kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hàng năm của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

[Lực lượng 389 Hà Nội xử lý hơn 980 vụ buôn lậu, gian lận thương mại]

Cùng đó, lực lượng đã tổ chức đấu tranh, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng; phát hiện những bất cập của chính sách pháp lý, rút ra nhiều bài học trong đấu tranh với các vi phạm trong lĩnh vực này cũng như việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng, ngăn chặn hoạt động buôn lậu.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia 389, năm 2022 các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 3.527 vụ vi phạm, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, xử phạt hành chính 3.510 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 49,31 tỷ đồng; xử lý hình sự 17 vụ/35 đối tượng; trong đó, 10 vụ/26 đối tượng liên quan đến dược phẩm, 7 vụ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ lập biên bản số mỹ phẩm vi phạm. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Đáng lưu ý, lực lượng chức năng đã tước quyền sử dụng chứng chỉ hàng nghề dược và đình chỉ hoạt động kinh doanh 6 trường hợp vi phạm về xuất khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt; ban hành 11 văn bản thu hồi vi phạm chất lượng; công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 41 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng; tạm ngừng hoạt động của 133 tên miền “.vn,” thu hồi 4 tên miền.

Đặc biệt, số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý đều giảm rõ năm sau thấp hơn năm trước, nhất là không còn tình trạng bày bán công khai mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng trong các khu chợ, các tuyến phố, cửa hàng xách tay.

Hơn nữa, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hàng hoá bất hợp pháp trên không gian mạng từng bước được kiểm soát, xử lý tồn tại.

Tuy nhiên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 cũng chỉ ra việc chấp hành chế độ thông tin của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc.

Bên cạnh đó, có một số bộ, ngành, địa phương không lập báo cáo định kỳ, việc phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương chưa thường xuyên, liên tục nhất là trong việc chia sẻ trao đổi thông tin và xử lý vi phạm.

Không chỉ vậy, hoạt động thương mại điện tử vẫn rất khó khăn với quản lý nhà nước cũng như hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nam đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chống buôn lậu, gian lận thương mại. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Đi liền đó, tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vẫn diễn ra phổ biến trên môi trường mạng.

Hơn nữa, nguồn lực đảm bảo cho xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; trong đó, lĩnh vực dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền còn hạn chế, khó khăn.

Hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh phát triển phổ biến, rộng rãi, các tổ chức, cá nhân vi phạm thường lợi dụng loại hình này để vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Công nghệ in phát triển nhanh chóng, máy in gọn nhẹ, dễ đầu tư nên cơ sở in xuất hiện ngày càng nhiều, lẫn nhà xưởng trong các khu dân cư. Đây là nơi in ấn, sản xuất các loại bao bì, nhãn mác cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng rất khó cho hoạt động thanh kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Đáng lưu ý, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, nhóm hàng điều chỉnh trong Chỉ thị số 17/CT-TTg nói riêng dần chuyển từ nhỏ lẻ sang thành lập công ty, sử dụng công nghệ cao, giao nhận gián tiếp, lòng vòng, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô số lượng lớn qua cửa khẩu chính.

Hơn nữa, do sự rào chắn của biên giới phía Bắc nên đối tượng buôn lậu chuyển địa bàn hoạt động vào biên giới khu vực miền Trung, miền Đông và Tây Nam bộ.

Hạn chế của việc giám định, kiểm nghiệm; việc lấy mẫu mỹ phẩm đi kiểm nghiệm, thời gian gửi mẫu đến khi nhận kết quả thử nghiệm ở các trung tâm phân tích mẫu kéo dài thời gian lâu dẫn đến hết thời gian xử lý vi phạm.

Trên cơ sở kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Thường trực đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nhiệm vụ được giao, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung lực lượng, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg.

Mặt khác, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng tiến hành đánh giá đúng thực kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg.

Ngoài ra, chủ động dự báo sát tình hình, đề ra những giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo; chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ và không để tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng đó, Văn phòng Thường trực kiến nghị giao Bộ Y tế tiếp tục rà soát tham mưu, sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, đảm bảo sự đồng bộ, thuận lợi cho quản lý nhà nước với nhóm mặt hàng chăm sóc và nâng cao sức khoẻ con người.

Chủ động thanh, kiểm tra giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phát hiện kịp thời mọi sai phạm...

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị tăng thời lượng, dung lượng đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan nhóm mặt hàng điều chỉnh tại Chỉ thị số 17/CT-TTg.

Hơn nữa, chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý các hoạt động quảng cáo, nhất là với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm của các trang thông tin điện tử, trang cá nhân trên mạng xã hội.

Đặc biệt, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban để tổng hợp báo cáo kịp thời./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)