Bàn các giải pháp thúc đẩy cách tân công nghiệp tại Việt Nam
Hiện mới chỉ có một số ít các DN tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị, lợi ích thiết thực.
Chiều 20/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn cách tân công nghiệp (Industry Innovation Forum 2022).
Với chủ đề "Sản xuất thông minh," Diễn đàn quy tụ khoảng 200 doanh nghiệp, tập đoàn, hiệp hội tham gia thảo luận, kết nối về đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức và dự kiến sẽ là sự kiện thường niên để các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối, hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam; qua đó nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
"Không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn cho các doanh nghiệp trên thế giới. Chúng ta có thể nhập khẩu công nghệ nhưng không thể nhập khẩu đổi mới sáng tạo," ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm khi đặt mục tiêu đến năm 2030 có mặt trong nhóm 40 quốc gia dẫn đầu trong chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), với mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc cùng nền kinh tế số chiếm trên 30% GDP.
Việt Nam sẽ tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính-ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo.
[Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chậm đổi mới sáng tạo]
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch và CEO Công ty Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (IBP), việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, chỉ một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực, bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ về những dự báo tương lai cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp tại Việt Nam; kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp để đổi mới và duy trì vị thế đi đầu tại doanh nghiệp; "bài toán" đầu tư công nghệ cao trong sản xuất…
Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài cho rằng, hệ thống quy định, quy trình phải được cải tiến thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của xu hướng mới về công nghệ và quản trị.
Hạ tầng công nghệ thông tin phải được quy hoạch bài bản, có lộ trình đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số cần nắm vững chuyên môn và quản trị, phải được đào tạo bài bản các kiến thức về số hóa và khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I chia sẻ, chuyển đổi số hay xây dựng năng lực số là việc buộc phải làm với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh.
Tuy nhiên, văn hóa tổ chức doanh nghiệp và nhân lực đủ khả năng cho việc chuyển đổi này là vấn đề rất lớn, bao gồm ở các doanh nghiệp tư vấn. Chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam (cho chuyển đổi số) còn rất thấp.
Theo ông Mai Hữu Tín, không một doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp lớn nhất có thể nắm hết, biết hết tiến bộ trong ngành của mình hay tự mình tạo ra mọi việc.
Cần phát huy vai trò của hiệp hội ngành nghề, chính là nơi phù hợp nhất để chia sẻ cách thực hành tốt, kinh nghiệm và nguồn lực để có thể tiếp cận công nghệ thông tin mới nhất, phục vụ việc chuyển đổi cũng mình và các hội viên.
Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp 5% tổng GDP cả nước.
Năm 2021, Google, Temasek và Bain & Co. cũng dự báo quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025./.