Bán buôn và bán lẻ xăng dầu: Mấu chốt là cơ chế tiệm cận thị trường
Theo VINPA, trong câu chuyện tranh luận liên quan khâu bán buôn-bán lẻ xăng dầu, mẫu chốt vẫn là sửa cơ chế theo hướng nhà nước quản lý mặt hàng xăng dầu nhưng giá bán lẻ phải dần tiệm cận thị trường.
Trước việc một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ủy quyền cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bội Ngọc đứng đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về kinh doanh xăng dầu; trong đó có quy định về chi phí và lợi nhuận định mức giữa khâu bán buôn và bán lẻ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) xung quanh các kiến nghị này.
- Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng doanh nghiệp đầu mối chỉ được nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ, nếu muốn bán lẻ phải lập doanh nghiệp chuyên bán lẻ hạch toán độc lập để đảm bảo minh bạch và bình đẳng với các doanh nghiệp bán lẻ khác. Xin ông cho biết quan điểm của VINPA?
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà nước cố gắng quản lý một chuỗi, từ khâu tạo nguồn cho tới khâu bán ra cho người tiêu dùng. Còn doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xăng dầu có quyền lựa chọn cấu trúc tổ chức của công ty để đảm bảo tính hiệu quả. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cấu trúc độc lập, nhiều doanh nghiệp chọn cấu trúc tập trung.
Thực tế cho thấy tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng dầu trong nước, các đầu mối bán lẻ xăng dầu hầu hết là hoạt động độc lập như công ty bán lẻ xăng dầu Khu vực I, công ty bán lẻ xăng dầu Khu vực II…, thậm chí trong công ty bán lẻ xăng dầu còn có các đơn vị thí điểm bán lẻ tự hạch toán.
- Theo một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, cần sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP theo hướng có quy định cụ thể về chi phí và lợi nhuận định mức giữa khâu bán buôn và bán lẻ để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất này?
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Trong quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu hay trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP hiện nay đều có quy định về hình thức đại lý xăng dầu. Đây là hình thức đảm bảo an toàn tài chính tốt nhất cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải ký hợp đồng đại lý với thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trên cơ sở giá bán chỉ định và chiết khấu cố định. Khi giá thị trường lên hay xuống, đại lý vẫn được hưởng lợi nhuận cố định dù thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối bị lỗ do biến động giá của thị trường.
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chọn hình thức hợp đồng đại lý như vậy do với hình thức hợp đồng đại lý đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không được lấy từ nguồn nào khác cũng như không được hưởng chiết khấu cao hơn khi giá biến động. Vì vậy, đây chính là thoả thuận kinh tế giữa các doanh nghiệp.
Theo tôi, các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không sai nhưng không đầy đủ bởi chỉ kiến nghị dựa trên lợi ích cục bộ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, còn chưa dựa trên quan điểm hài hòa lợi ích các bên tham gia trên thị trường.
Thực tế là trong nhiều thời điểm của năm 2022 vừa qua, nhiều thương nhân đầu mối đã kinh doanh thua lỗ do biến động dị thường của thị trường cũng như do phải nhập khẩu xăng dầu theo sự phân giao của Bộ Công Thương để đảm bảo ổn định nguồn cung cho thị trường.
Vì vậy, khi các thương nhân đầu mối còn lỗ nặng thì các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không được hưởng chiết khấu cần thiết để đảm bảo kinh doanh có lãi là điều dễ hiểu.
Thực tế cũng cho thấy hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hay doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước đều phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới.
[Đại lý bán lẻ xăng dầu có thể được lấy hàng từ nhiều nguồn]
Theo quy định hiện nay, có nhiều hình thức đảm bảo cho doanh nghiệp xăng dầu có thể hoạt động ổn định. Cụ thể, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được thoải mái lựa chọn đối tác đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu để cung cấp xăng dầu theo các điều khoản đàm phán cụ thể về hình thức hưởng thù lao kinh doanh, khối lượng xăng dầu cung cấp…
Nếu đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu vi phạm các cam kết hợp đồng như vậy thì các công ty bán lẻ xăng dầu mới có căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
Thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay thường chọn hình thức giá xăng dầu thả nổi khi ký hợp đồng với đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu.
Vì vậy, có thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể được hưởng thù lao cao lên tới 2.000-3.000 đồng/lít như thời điểm 15 ngày trước đây, nhưng cũng có thời điểm sẽ chẳng được hưởng đồng nào. Đây hoàn toàn là vấn đề thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, còn nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tôi cho rằng trong câu chuyện tranh luận về định mức chi phí và lợi nhuận giữa khâu bán buôn và bán lẻ hiện nay, mấu chốt vẫn là sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP theo hướng nhà nước quản lý mặt hàng xăng dầu nhưng cơ chế giá bán lẻ xăng dầu phải dần tiệm cận với cơ chế thị trường.
Với cơ chế như vậy, khách hàng sẽ tự lựa chọn doanh nghiệp bán lẻ có mức giá tốt nhất để mua, còn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ phải tự tiết giảm các chi phí kinh doanh để có mức giá cạnh tranh nhất.
- Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP theo hướng cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được phép mua từ nhiều thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối. Theo ông đây có phải là kiến nghị hợp lý trong bối cảnh các thương nhân đầu mối tạo được nguồn xăng dầu từ nhiều doanh nghiệp chế biến xăng dầu trong nước cũng như nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau?
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Đây hoàn toàn là kiến nghị chính đáng tuy nhiên doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ phải đăng ký đúng loại hình hoạt động, tức là phải hoạt động theo đúng mô hình các doanh nghiệp bán lẻ độc lập. Khi đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu, phải có phòng hoá nghiệm, phải có hợp đồng hoá nghiệm với các cơ sở hoá nghiệm…
Điều này có nghĩa là nếu các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo mô hình đại lý xăng dầu theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP hiện nay thì sẽ chỉ được phép lấy xăng dầu từ một nguồn để đảm bảo sự quản lý về mặt chất lượng xăng dầu, giá bán lẻ cũng như được phép sử dụng thương hiệu của thương nhân đầu mối.
Đối với các thương nhân đầu mối như Petrolimex hay Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Nghị định 95/2021/NĐ-CP cho phép các thương nhân đầu mối có thể tạo nguồn xăng dầu từ nhiều nhà sản xuất trong nước hoặc nước ngoài nhưng đó điều kiện kinh doanh đi kèm.
Các thương nhân đầu mối như vậy phải có hệ thống kho bể tồn chứa xăng dầu, hệ thống đường ống xăng dầu, hệ thống phòng hóa nghiệm để đảm bảo chất lượng xăng dầu trước cơ quan quản lý và phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu bán ra cho người tiêu dùng.
- Ông nhìn nhận như thế nào về việc sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP lần này?
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Phải khẳng định kinh doanh xăng dầu là rất rủi ro do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, vì thế rất khó tiên liệu. Về phần phụ phí kinh doanh xăng dầu trong công thức giá cơ sở, phụ phí này cũng lên xuống thất thường theo biến động của giá xăng dầu thế giới.
Vì vậy, trước các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Tài chính đã thay đổi chu kỳ cập nhật tính phụ phí từ 3-6 tháng/lần như trước đây xuống khoảng một tháng như hiện nay để sát với tình hình thực tế.
Với phần chi phí lưu thông của doanh nghiệp, trước đây cơ quan quản lý chỉ tính bình quân nên không phù hợp và công bằng với tất cả các doanh nghiệp. Do đó, việc sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP lần này sẽ theo hướng nhà nước chỉ quản lý các đầu mục chi phí, còn các chi phí lưu thông thực tế của từng doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp tự tính toán và nhà nước không tính bình quân nữa.
Định hướng mới này sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng cách tiết giảm chi phí để có giá bán tới tay người tiêu dùng tốt nhất. Khi đó, thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có các mức giá bán lẻ của các đầu mối khác nhau và đúng với quy luật thị trường hơn.
Thực tế là cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu phải quản lý thị trường xăng dầu bao trùm, tổng thể dựa trên lợi ích của tất cả các bên cũng như yêu cầu về an ninh năng lượng quốc gia cũng như các tác động đến nền kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều được cơ quan quản lý ghi nhận đầy đủ, được đưa ra thảo luận kỹ với từng kiến nghị, ngay cả với những kiến nghị không phù hợp đều có sự lý giải rõ ràng.
Còn những kiến nghị hợp lý đều được cơ quan soạn thảo tiếp thu sửa đổi trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP lần này.
- Xin cảm ơn ông!