Bài học xây dựng đô thị từ Singapore: Hướng đến bền vững, có kế hoạch dài hơi

Theo Giáo sư Lily Kong, kinh nghiệm của Singapore là xây dựng đô thị cũng chính là xây dựng xã hội và mục tiêu phải mang đến cuộc sống thoải mái, an toàn, đảm bảo bền vững về môi trường.

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch Đại học Quản lý Singapore.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi xây dựng đô thị cần xác định ngay từ đầu các yêu cầu về giá trị bền vững trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và kiên định đảm bảo các mục tiêu đó đồng thời có kế hoạch triển khai bài bản, dù có thể kéo dài.

Đây là một trong những bài học về xây dựng đô thị bền vững của Singapore được Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch Đại học Quản lý Singapore (SMU) chia sẻ trong buổi trò chuyện mới đây tại Đại học VinUni về hành trình xây dựng Singapore thành đô thị bền vững.

Giáo sư Kong từng là Hiệu trưởng trước khi giữ vai trò Chủ tịch thứ 5 của SMU. Bà là phụ nữ Singapore đầu tiên giữ chức Chủ tịch một trường đại học tại quốc đảo này. Trước khi gia nhập SMU, bà từng là Phó Hiệu trưởng và giữ các chức vụ quản lý cao cấp ở Đại học quốc gia Singapore (NUS). Giáo sư Kong nổi tiếng với nghiên cứu về sự biến đổi đô thị và thay đổi văn hóa xã hội tại châu Á. Bà nhận được nhiều giải thưởng học bổng quốc tế uy tín, đồng thời lọt top 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng của Forbes Châu Á (2022).

Xác định mục tiêu cốt lõi, quy hoạch kỹ càng

Theo Giáo sư Kong, kinh nghiệm của Singapore là xây dựng đô thị cũng chính là xây dựng xã hội và mục tiêu là phải mang đến cuộc sống thoải mái, an toàn, đảm bảo bền vững về môi trường.

Giáo sư Kong cho hay giai đoạn những năm 1970, Singapore vẫn còn là một đất nước vô cùng khó khăn, có những khu vực một căn hộ nhưng lại là chỗ ở của hơn 50 người dân với 11 hộ gia đình. “Chúng tôi không có tài nguyên, chúng tôi chỉ có hai thứ là cảng biển và con người. Nếu người dân không có chỗ ở thì họ không thể yên tâm làm việc cống hiến phát triển đất nước. Vì vậy, Chính phủ xác định giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân là yếu tố cốt lõi cần được ưu tiên hàng đầu,” Giáo sư Kong nói.

Việc xây dựng khu đô thị phải hướng tới phát triền bền vững. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Chính phủ Singapore xây dựng nhà ở xã hội để bán cho người dân với giá rẻ so với thị trường hoặc cho người dân thuê nếu họ không đủ điều kiện mua. Chính phủ cũng tính đến các chính sách liên quan như chính sách hỗ trợ cho người già, các đối tượng được chiết khấu giảm, mức giảm bao nhiêu, quy hoạch từng khu vực cho người già, người trẻ, các sắc tộc khác nhau. Hiện 80% người dân Singapore sống trong các căn hộ này.

“Xác định xây dựng một khu đô thị không phải chỉ là xây nhà, cầu, đường, trường, trạm mà là xây dựng một xã hội bền vững cho người dân. Là một đất nước với thành phần đa dạng, chúng tôi phải phân bổ hợp lý để tránh xung đột sắc tộc. Xã hội bền vững về con người, về văn hóa sẽ giảm thiểu mâu thuẫn cả về tôn giáo, sắc tộc, tầng lớp. Chính phủ cũng lấy ý kiến người dân trước khi triển khai các dự án,” Giáo sư Kong chia sẻ.

“Một xã hội bền vững còn phải đảm bảo bởi yếu tố kinh tế, môi trường, vì vậy, đây cũng là hai yêu cầu quan trọng khi xây dựng đô thị ở Singapore. Chúng tôi áp dụng khung lý thuyết đáng sống: có chất lượng cuộc sống cao, môi trường bền vững, kinh tế cạnh tranh. Các dự án được quy hoạch trước khi triển khai rất lâu, giúp việc xây dựng hạ tầng có bài bản, vì thế có giá trị bền vững lâu dài với tầm nhìn dài hạn,” bà Kong cho hay.

Vị Giáo sư đưa ra những ví dụ về các dự án tại Singapore được triển khai trong thời gian rất dài và đảm bảo tác động tối thiểu đến thiên nhiên, trong đó có những khu vực phải mất đến 70 năm để xây dựng vì quan điểm của Chính phủ và người dân có sự khác nhau hay dự án tàu điện triển khai trong 17 năm.

Bài học nào cho Việt Nam?

Đánh giá Việt Nam ở giai đoạn trọng điểm, bản lề khi đang xây dựng các khu dân cư mới, Giáo sư Kong cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để có thể thực hiện các khu đô thị thực sự xanh và bền vững. “Phải xác định nguyên tắc phát triển xanh xuyên suốt quá trình triển khai vì khi đã xây dựng xong thì việc làm lại là rất khó để có kết quả như mong muốn,” Giáo sư Kong nhấn mạnh.

Bà Kong cũng cho rằng để quy hoạch, phát triển đô thị thì Việt Nam phải xác định được đâu là vấn đề thiết yếu, cấp bách nhất của mình cần phải giải quyết, như Singapore đã xác định vấn đề tiên quyết là phải giải quyết về nhà ở cho người dân.

Theo bà Kong, Việt Nam có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, có các doanh nghiệp ]và các đại học nghiên cứu. Mỗi bên có thế mạnh khác nhau và các bên cần phải hợp tác với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hòa. Các trường đại học sẽ đóng góp các ý tưởng, cố vấn cho Chính phủ và doanh nghiệp. Chính phủ và doanh nghiệp làm việc với nhau để xây dựng thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân có thể phát huy vai trò của mình. Bản thân doanh nghiệp cũng không phải lúc nào cũng chỉ chú trọng vào lợi nhuận mà phải hướng về lợi ích chung của cả cộng đồng.

Giáo sư Lily Kong và Tiến sỹ Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ sâu hơn về sự phối hợp của các trường đại học, bà Kong cho rằng các đơn vị này sẽ có vai trò quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu, đóng góp trực tiếp các giải pháp để hoạch định, quản lý đô thị tốt hơn.

“Ví dụ chuyên gia trong ngành quản lý và vận hành có thể nghiên cứu và định ra đâu là những địa điểm đặt trạm xe điện hợp lý nhất, tối ưu nhất để đảm bảo không mất quá nhiều chi phí đầu tư nhưng cũng không quá ít, bởi nếu quá ít trạm thì người dùng cảm thấy bất tiện và sẽ không dùng nữa. Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp đầu tư một hệ thống hạ tầng sạc điện hợp lý để người dân sử dụng xe điện nhiều hơn. Vấn đề thứ hai mà khối nghiên cứu học thuật có thể đóng góp là mở các khóa đào tạo và liên tục cập nhật các kiến thức mới để sinh viên sau khi ra trường có thể học bổ sung khi cần thiết vì việc học là suốt đời,” giáo sư Kong nói.

Được biết, hiện Đại học Quản lý Singapore và Trường Đại học VinUni đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu của sinh viên cũng như cùng xây dựng các chương trình sau đại học để những người đi làm có thể nâng cao kiến thức.

“Chúng tôi cũng hợp tác về nghiên cứu. Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề quan trọng, đang phát triển và xây dựng đại đô thị mới, đây là cơ hội rất lớn để các giáo sư, chuyên gia làm việc cùng nhau nhằm giải quyết các bài toán rất khó nhằn trong phát triển đô thị bền vững,” Giáo sư Lily Kong cho biết./.