Bài học lịch sử về truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa 3 nước Đông Dương
Chiến thắng Điện Biên Phủ có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của 3 nước Đông Dương nói chung và của hai nước Việt Nam, Lào nói riêng.
“7 thập kỷ đã trôi qua, bài học lịch sử về truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân 3 nước Đông Dương, đặc biệt là giữa Việt Nam và Lào trong chiến thắng Điện Biên Phủ hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.” Đó là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).
- Thưa Đại sứ, chiến thắng Điện Biên Phủ mang ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào. Từ bài học lịch sử, theo Đại sứ, chúng ta phải làm gì để phát huy cũng như áp dụng truyền thống này vào công cuộc phát triển đất nước và vun đắp mối quan hệ Việt Nam-Lào?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của 3 nước Đông Dương nói chung và của hai nước Việt Nam, Lào nói riêng. Bởi sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết, tại đây nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia và đây là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân 3 nước Đông Dương từng bước tiến lên giành độc lập, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước ở mỗi nước.
Tôi cho rằng, bài học lịch sử về truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân 3 nước Đông Dương, đặc biệt là giữa Việt Nam và Lào, trong chiến thắng Điện Biên Phủ hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Để phát huy truyền thống này, chúng ta cần tiếp tục phát huy những bài học, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng lòng chung sức khắc phục mọi khó khăn gian khổ đánh bại kẻ thù; phát huy nội lực, đề cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giành chiến thắng; kế thừa và phát triển bài học về tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, kịp thời sáng tạo trong hành động để đạt được mục đích cao nhất; tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế; sát cánh bên nhau, tăng cường hiệu quả hợp tác.
Trước mắt, hai nước nên tập trung vào các ưu tiên sau: Thứ nhất, đối với sự nghiệp phát triển mỗi nước, cần nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, luôn gắn lý luận với thực tiễn, thấm nhuần quan điểm coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luôn bám sát thực tiễn, phân tích đúng đắn những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước để từ đó tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận. Khi thực tiễn thay đổi thì mục tiêu xây dựng đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vẫn giữ vững, nhưng kiên quyết thay đổi, bổ sung những chủ trương, chính sách, biện pháp không còn phù hợp và không còn hiệu quả. Không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ giáo điều, dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ lỗi thời. Có như vậy mới đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, với quan hệ Việt Nam-Lào, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, đặc biệt cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đến mọi tầng lớp nhân dân hai nước.
Nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước bằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông-Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư và kinh doanh; giải quyết vướng mắc bằng các giải pháp đột phá; phát huy các mô hình hợp tác mới, chẳng hạn như mô hình hợp tác Việt Nam-Lào+1, để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Tập trung vào chất lượng, hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu về phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó và đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng ta luôn tự hào về những nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ trong việc xây dựng đất nước, vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam-Lào không ngừng đơm hoa, kết trái, đưa mối quan hệ này trở nên hết sức mẫu mực, thủy chung, trong sáng và là hình mẫu duy nhất trên thế giới.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, các đoàn thể ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, chúng ta có đầy đủ cơ sở để giữ vững niềm tin về một tương lai tươi sáng của mỗi nước cũng như mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
- Thưa Đại sứ, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay là gì?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Có thể khẳng định, dù 70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong việc giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là ý nghĩa của một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, đè bẹp cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của thế lực xâm lược; ý nghĩa của phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; về phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và sáng tạo, xác định trong đường lối cách mạng, đường lối và nghệ thuật quân sự chiến đấu; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh giai cấp công dân-nông dân-trí thức.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ mang lại những giá trị to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Chính vì vậy, ngày nay, khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đều hết sức xúc động và tự hào về chiến công hiển hách, tinh thần quật khởi của cha anh, coi đây là một trong những động lực tinh thần to lớn để tích cực rèn luyện, phấn đấu và trực tiếp tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
- Nhân dịp trọng đại này, Đại sứ muốn gửi gắm điều gì đến nhân dân Lào cũng như Việt Nam?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Như các bạn đã biết, cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cùng chung nguồn gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây, đã lãnh đạo cách mạng hai nước chúng ta hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất ở mỗi nước và hiện nay chúng ta đang tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai nước Việt Nam-Lào đang trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, chúng ta có nhiều thuận lợi từ cả nội tại và môi trường quốc tế mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn và thách thức mà chúng ta gặp phải.
Trong bối cảnh đó, tôi luôn mong muốn nhân dân hai nước Việt Nam-Lào tiếp tục kế tục truyền thống của liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của hai Đảng, kề vai sát cánh bên nhau, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bổ sung những lợi thế cho nhau để cùng phát triển.
Đặc biệt, phát huy tinh thần hữu nghị, đoàn kết giữa 3 nước Đông Dương trong chiến thắng Điện Biên Phủ và nhiều chiến thắng chung khác, Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục duy trì và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp với đất nước Campuchia anh em, góp phần đắc lực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.