Bài 3: Khoảnh khắc giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 - "Vui sao nước mắt lại trào"

Khoảnh khắc tiếp quản Sài Gòn, tận hưởng niềm vui của hòa bình, nhiều chiến sỹ cách mạng không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc và cả nghẹn ngào khi nhớ về các đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc.

Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng 4/2025, hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại bay tập luyện chuẩn bị trình diễn, tiếng động cơ tiêm kích rền vang bầu trời phương Nam.

Ngắm Thành phố Hồ Chí Minh vừa yên bình, gần gũi vừa sôi động, những người trực tiếp tham gia giải phóng, tiếp quản thành phố lại hồi tưởng không khí Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đó là một thành phố vừa được giành lại từ tay quân thù, gần như còn nguyên vẹn, không bị tàn phá bởi trận chiến quyết định, thành phố ấy được gìn giữ, ổn định ngay.

Trong ký ức của bà Phan Thị Bé Tư (tức Phan Thị Định, sinh năm 1946) ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổ trưởng Tổ Võ trang tuyên truyền, Ban Công vận T4 Khu Sài Gòn-Gia Định, một trong những cựu tù chính trị Côn Đảo, thì ngày 30/4/1975 vô cùng đặc biệt, là ngày đẹp nhất cuộc đời của bà.

Sau 5 năm "chết đi, sống lại" ở những nhà tù được ví như "địa ngục trần gian" do đế quốc Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn xây dựng, ngày 5/3/1974, bà Bé Tư được trao trả tại Lộc Ninh, Bình Phước cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris 1973).

"Theo sự phân công, tôi quay trở lại Tiền Giang và được bố trí về Liên quận 2-4, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử," bà Bé Tư nhớ lại.

8 giờ sáng 30/4/1975, bà Bé Tư cùng đồng đội hành quân hướng về cầu chữ Y tiến vào Sài Gòn để tiếp quản bộ máy hành chính Quận 2.

Bà Phan Thị Bé Tư hồi tưởng ngày tiếp quản Sài Gòn.

Dọc đường đi, trước mắt bà là khung cảnh lính ngụy vứt lại quân phục, súng ống, chỉ mặc quần đùi bỏ chạy.

Vào đến Sài Gòn là 12 giờ trưa, thành phố không có cảnh hoang tàn, đổ nát của một đô thị sau cuộc chiến. Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn. Người dân đón chào Quân giải phóng như đón những người con xa trở về sau bao năm dài xa cách.

"Đến chợ Bến Thành tôi cầm lá cờ Tổ quốc chạy lên cắm trên nóc chợ. Làm sao có thể quên hình ảnh nhân dân mừng vui nhường nào. Bà con đem cơm nước mời chúng tôi ăn. Tình cảm lắm, cảm động lắm," bà Bé Tư hồi tưởng.

Giây phút hạnh phúc trông lá cờ tung bay trên nóc chợ Bến Thành, bà Phan Thị Bé Tư lại khóc nức nở. "Buồn vui lúc đó nhiều lắm. Ngày chiến thắng nghĩ đến hòa bình, mình được sống trong đất nước thống nhất nhưng lại nhớ đến em trai hy sinh năm 1967, nhớ đến những đồng đội, đồng chí bị bắt, bị lao tù, nghĩ đến những người đã hy sinh khi còn rất trẻ. Có rất nhiều người nắm xương còn ở lại Côn Đảo," bà Phan Thị Bé Tư nghẹn ngào nói.

Thời điểm đất nước khải hoàn, bà Nguyễn Thị Nè (sinh năm 1945, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), người trong đơn vị A20 của Quân giải phóng có nhiệm vụ tiếp quản nguỵ quân đầu hàng tại Quận 2 cũng trào nước mắt.

Bà Nguyễn Thị Nè, xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), thành viên đơn vị A20 của Quân giải phóng có nhiệm vụ tiếp quản nguỵ quân đầu hàng vào ngày 30/4/1975. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)

Lúc ấy, bà nhớ những năm tháng bị giam cầm trong "chuồng cọp" Côn Đảo, chịu những tra tấn cực hình nhưng "lúc nào cũng một niềm tin cách mạng sẽ chiến thắng, miền Nam sẽ được giải phóng, đất nước sẽ thống nhất."

Rồi bà Nè lại nghĩ đến quê hương Củ Chi bị quân đội Mỹ, nguỵ bao vây càn quét, đốt phá làng mạc, nhà cửa, bị B-52 oanh tạc, rải chất độc hóa học.

"B-52 đi đâu không biết nhưng cứ về tới Củ Chi là thả bom. Nó còn rải chất độc hóa học đến chừng không còn cây cối, bụi rậm mới thôi. Cho nên người dân ở không được luôn. Nơi đó thành vùng trắng. Nhà của tôi cũng hứng mấy trái bom. Củ Chi 10 nhà thì hết 9 nhà có người chết, có liệt sỹ," bà Nguyễn Thị Nè nhớ lại.

Thuật lại thời điểm lịch sử, Đại tá Phùng Bá Đam (Tây Hồ, Hà Nội, nguyên cán bộ Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) từng là một trong những chiến sỹ Quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập vào 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, ông nói: "Lúc ấy tôi là Trung úy, thuộc Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2."

Ngày 15/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở "Chiến dịch Hồ Chí Minh" giải phóng miền Nam, với tinh thần "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" gồm 5 mũi tiến công, mục tiêu đánh vào Dinh Độc Lập. Ngày 27/4/1975, sau khi đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 thành lập lực lượng mạnh đột kích thọc sâu hướng Đông Nam Sài Gòn. Trung úy Đam khi đó là cán bộ Trung đoàn, được giao nhiệm vụ đi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó 66 và một số đồng đội khác.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Sáng 30/4/1975, các lực lượng của ta lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Trung úy Đam là một trong những người có mặt tại thời điểm đó. Sau khi vào Dinh, ông cùng Đại úy Thệ và các đồng đội đưa Tổng thống ngụy Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

"Đó là một nhiệm vụ vô cùng vinh dự của người lính. Nhưng trong niềm hân hoan đất nước thống nhất, tôi lại nhớ tới các đồng đội đã mãi mãi nằm lại Quảng Trị, dưới dòng Thạch Hãn, ở cao điểm 1062 của căn cứ Thượng Đức. Có những anh em hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn," Đại tá Phùng Bá Đam xúc động nói.

Nhớ việc tiếp quản Sài Gòn lúc đó gần như nguyên vẹn, không bị tàn phá bởi trận chiến quyết định, Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người từng chỉ huy một đội hình tấn công vào Sài Gòn ngày 30/4/1975 nhấn mạnh: "Chúng ta đã chuẩn bị giải phóng miền Nam bằng tất cả sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao và tính toán đến vấn đề xây dựng miền Nam sau khi giải phóng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi chúng ta đánh vào Sài Gòn, do cách đánh của chúng ta, do nghệ thuật chiến tranh của chúng ta nên chúng ta đã giữ được thành phố gần như nguyên vẹn."

Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hồi tưởng lại những kỷ niệm thời kháng chiến. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)

Phương châm "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" có nghĩa là 5 cánh quân không ham đánh giặc ở vòng ngoài mà nhanh chóng đánh vào mục tiêu chính, chiếm Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất.

Phương châm này đã giảm thương vong cho quân đội, đồng bào, bảo vệ thành phố được nguyên vẹn. Và trưa 30/4/1975, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác là "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn."

"Tất cả các lực lượng của ta có nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn phải bảo đảm toàn bộ các khu vực được phân công, bảo vệ tài sản của nhân dân, không để xảy ra tình trạng tàn phá, hôi của. Chúng ta cũng nhanh chóng ổn định trận địa lòng dân, tạo nên sự đoàn kết quân dân. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng, thậm chí quan trọng nhất bởi không có nhân dân, chúng ta không bao giờ thành công. Chỉ có nhân dân giúp đỡ mới được có được tất cả, mới giúp chúng ta làm nên chiến thắng," Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định./.

Bài 1: Không nghĩ đến thân mình vì khát vọng đất nước thống nhất

Bài 2: Những phi công anh hùng sống chết cho đất nước

Bài 4: Lời hẹn ước sắt son

Bài cuối: Cùng nhau xây lại đất nước Việt Nam to đẹp hơn