Bài 3: Dấu ấn xanh đặc biệt của “sếu đầu đàn" ngành tín dụng Việt Nam

Hơn 300 dự án lớn nhỏ mà Vietcombank đứng ra điều tiết vốn những năm gần đây đạt giá trị tín dụng tới 46,4 tỷ USD, tương đương gần 11% GDP Việt Nam năm 2023.

Vietcombank và PVN thực hiện ký kết Hợp đồng khung Thu xếp cấp tín dụng cho chuỗi dự án khí Lô B. (Ảnh: Vietnam+)

Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Vietcombank tiếp tục thể hiện vai trò của một nhà băng hàng đầu trong việc phát triển bền vững, thu xếp tín dụng cho các dự án xanh.

Trong một bài phát biểu tháng 3/2024, bà Trần Thị Thuý Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam (doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu) từng chia sẻ: “Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xu thế phát triển bền vững, nhất là ngân hàng thương mại thuộc nhà nước và đặc biệt là Vietcombank.”

Hiện thực hoá các chiến lược xanh

Góp phần hiện thực hoá các mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong cuộc “cách mạng xanh,” thời gian qua, Vietcombank đã tiên phong đưa vấn đề Xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua các nhiệm vụ cốt lõi: tăng trưởng gắn liền với yếu tố bền vững, tập trung mở rộng tín dụng xanh cho nền kinh tế, đặc biệt chú trọng cấp tín dụng cho các dự án xanh như năng lượng tái tạo, xử lý môi trường và nông nghiệp xanh.

Hơn 300 dự án lớn nhỏ mà Vietcombank đứng ra điều tiết vốn những năm gần đây đạt giá trị tín dụng tới 46,4 tỷ USD, tương đương gần 11% GDP Việt Nam năm 2023. Nổi bật trong số này là các dự án trọng điểm quốc gia tại các ngành kinh tế mũi nhọn như: dầu khí, điện lực, hàng không... Tính đến nay, chỉ riêng với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…) mà Vietcombank tham gia tài trợ lên đến 30 dự án với tổng số dư cấp tín dụng đạt hơn 38.800 tỷ đồng, chiếm hơn 84% tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank.

Tháng 3/2024, Vietcombank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN đã ký kết hợp đồng khung thu xếp cấp tín dụng cho chuỗi dự án khí Lô B. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu mối thu xếp cấp tín dụng trung - dài hạn bằng ngoại tệ cho các dự án của PVN trên cơ sở giá trị thu xếp vốn, lãi suất, thời hạn vay vốn cạnh tranh.

Đây là chuỗi dự án nội địa, là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn tại Việt Nam với sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW. Chuỗi dự án Lô B không chỉ đem lại nguồn thu rất lớn cho nhà nước (dự kiến hơn 30 tỷ USD), mà còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Trước đó, Vietcombank đã tích cực đồng hành cùng Bộ Tài chính qua vai trò là người vay lại của Bộ Tài chính đối với dự án phát triển năng lượng tái tạo vay vốn World Bank và dự án Tiết kiệm năng lượng ngành công nghiệp vay vốn World Bank.

Ngoài ra, nhà băng được Bộ Tài chính tin tưởng giao phục vụ trên 300 dự án vay vốn ODA với tổng trị giá quy USD là gần 30 tỷ USD, bao gồm các dự án trọng điểm là động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong mọi lĩnh vực như hạ tầng cơ sở, giao thông, y tế, nông nghiệp…

Trong năm 2023, Vietcombank đã tích cực triển khai chương trình cho vay lại các dự án xanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường với tổng vốn 300 triệu USD. Đây là lần thứ 2 hai bên ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo sau “cú bắt tay” trị giá 200 triệu USD năm 2019.

Năm 2022, VCBS (Công ty con 100% vốn của Vietcombank) cũng đã tư vấn phát hành thành công 1.725 tỷ đồng cho đợt phát hành trái phiếu xanh của EVNFinance - Trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được xác định là trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế.

Theo lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 5 năm từ 2018-2023, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank đã tăng 5,83 lần, từ gần 7.900 tỷ đồng năm 2018 lên trên 46.100 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, chiếm 3,6% tổng dư nợ. Hết quý 1/2024, mức này tiếp tục tăng lên và đạt 47.700 tỷ đồng, đạt 3,7% tổng dư nợ của ngân hàng.

Hội thảo tín dụng xanh do Vietcombank tổ chức tháng 3/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 84,1%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 10,4%; xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm chiếm 2%; tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên chiếm 1%...

Đặc biệt giai đoạn gần đây, Vietcombank bắt tay với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Petrovietnam, Petrolimex, Trung Nam Group, VNPT, VNPost, ACV, Hateco, Eximbank củaThái Lan… thực hiện các hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp năng lượng, viễn thông, logistic…

Đồng hành bền vững, tạo động lực tăng trưởng

Cùng với việc ưu tiên cho lĩnh vực tín dụng xanh, để thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, một yếu tố sống còn là việc giúp họ tiếp cận với nguồn vốn với chi phí hợp lý. Bởi thế, nhiều năm qua, Vietcombank luôn là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu trong triển khai các chính sách, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, qua đó chung tay góp phần ổn định và phát triển kinh tế. Bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Tính riêng từ năm 2023 đến nay, Vietcombank thực hiện 57 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và thể nhân, 11 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Tổng dư nợ tín dụng được hưởng ưu đãi lên tới 1,95 triệu tỷ đồng.

Gần đây nhất, Vietcombank đã triển khai “Chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 – Yagi.” Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng.

Hội thảo tín dụng xanh do Vietcombank tổ chức tháng 3/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Riêng trong quý 1/2024, Vietcombank triển khai đồng loạt các gói cho vay mới với lãi suất giảm tới 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện hành nhằm hướng đến mục tiêu ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi với lãi suất cho vay thấp. Chương trình hướng đến các khách hàng thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các lĩnh vực xuất khẩu, năng lượng, khoa học công nghệ và phục vụ nhu cầu đời sống của người dân…

2024 là năm thứ hai liên tiếp Vietcombank ghi danh trong tốp 20 doanh nghiệp có chỉ số phát triển bền vững (VNSI) tốt nhất thị trường chứng khoán. Kết quả chứng minh những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong các cam kết góp sức cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đề cao tính minh bạch, trách nhiệm và kiến tạo giá trị chung cho cộng đồng.

Với định hướng đến năm 2030 giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Vietcombank đặt mục tiêu dẫn đầu về quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG) thông qua Hệ thống Quản lý Môi trường Xã hội (ESMS) và Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường Xã hội theo định hướng các Chỉ số Phát triển bền vững tại Việt Nam của Bộ tiêu chuẩn VNSI, từng bước hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về Môi trường Quản trị Xã hội (ESG) theo các chuẩn mực quốc tế GRI, TCFD./.

Bài 1: Cuộc “cách mạng xanh” nhìn từ chính sách của Đảng và Nhà nước

Bài 2: “Cách mạng xanh” toàn ngành ngân hàng góp phần vào phát triển bền vững