Bài 2: Tháo gỡ rào cản, lan tỏa năng lượng tích cực cho người khuyết tật

Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam thường xuyên mở các lớp dạy công nghệ thông tin; đề xuất, thúc đẩy sửa đổi chính sách hỗ trợ để người khuyết tật sớm tiếp cận, làm chủ công nghệ thông tin.

Chị Nghiêm Thị Thu Hường, Chủ nhiệm Cơ sở May Công nghiệp của người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn học viên thiết kế quần áo trên máy tính. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

Chuyển đổi số đang lan tỏa rộng khắp trong mọi lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội để người khuyết tật chủ động hơn trong việc tiếp cận, thích ứng và hòa nhập cuộc sống, tạo sự bình đẳng trong xã hội.

Tuy nhiên, so với người bình thường, người khuyết tật vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nay lại phải thích nghi với các hoạt động, học tập, lao động… trong điều kiện ứng dụng công nghệ số. Trong số đó, có thể kể đến là những khó khăn liên quan tới các giao dịch số.

Gặp khó khi tiếp cận các dịch vụ

Bị khiếm thị từ nhỏ, nhờ tham gia các lớp học công nghệ thông tin do Hội Người mù tổ chức, anh Ma Văn Đại có thể sử dụng máy tính, điện thoại phục vụ trong cuộc sống và công việc.

Công nghệ số giúp anh có thể sử dụng các tiện ích như đặt xe, tham gia sàn thương mại điện tử, giao dịch ngân hàng số… Còn trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh hơn so với những người khiếm thị khác nhưng anh Đại cũng gặp không ít trở ngại khi thực hiện các giao dịch số.

“Khi người khiếm thị sử dụng các ứng dụng, họ thường lướt tay trên màn hình rồi tìm đến biểu tượng để chạm vào. Tuy nhiên, có những ứng dụng khi người khiếm thị chạm vào lại không đọc nên gây nhiều khó khăn cho họ khi sử dụng.

Anh Lê Thái Bình tại xã Kỳ Tân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã nỗ lực vượt khó vươn lên, thành lập nhiều tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ cộng đồng. (Nguồn: TTXVN)

Đặc biệt, nếu muốn đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, một số trang web yêu cầu nhập mã captcha (thường được sử dụng trong các biểu mẫu đăng ký, đăng nhập, tạo tài khoản, các hoạt động trực tuyến khác trên điện thoại hoặc máy tính bảng, máy tính…), trình đọc màn hình không đọc được, người khiếm thị bắt buộc phải nhờ người sáng hỗ trợ,” anh Ma Văn Đại chia sẻ.

Nhiều người khiếm thị cũng cho biết từ khi giao dịch tài chính qua ngân hàng online chiếm lĩnh thị trường, họ không còn chủ động và độc lập, luôn phải nhờ tới người thân hỗ trợ. Đặc biệt là khi ngân hàng chặn một số tính năng, gây khó khăn cho họ khi tương tác với các app ngân hàng.

Thời gian gần đây, để tăng tính bảo mật, nhiều ngân hàng đã ngăn chặn quyền truy cập trợ năng trên điện thoại khiến việc đọc màn hình hoàn toàn bị vô hiệu hóa khi dùng ứng dụng ngân hàng. Điều này vô hình trung gây ra khó khăn cho người khiếm thị khi họ muốn tương tác với các app ngân hàng.

Do không tương tác được nên người khiếm thị phải nhờ người sáng nhập tài khoản, mã pin, điều đó khiến việc lộ thông tin tài khoản xảy ra nhiều hơn - thầy Nguyễn Trường Thanh, giáo viên dạy Tin học, Hội Người mù Việt Nam chia sẻ và bày tỏ mong muốn các ngân hàng xem xét không chặn tính năng này.

Khi các dịch vụ công ngày càng được số hóa trên không gian mạng, việc thực hiện các thủ tục hành chính trở nên thuận tiện, giúp tiết kiệm thời gian hơn đối với người bình thường.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng là người khuyết tật đã và đang gặp vô vàn khó khăn để bắt kịp với công nghệ... Đặc biệt, với nhóm người khiếm thị, để thực hiện đầy đủ các bước trên cổng dịch vụ công, họ luôn cần có người hỗ trợ. Họ mong muốn, thời gian tới, các nhà phát triển ứng dụng chú trọng đến nhóm đối tượng người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng để những người yếu thế có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ trên mạng internet.

Theo bà Ngô Thị Huyền Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội, nhóm người khuyết tật gặp khó khăn hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến do nền tảng ban đầu thấp hơn, vì thế khả năng đọc hiểu các văn bản hoặc hướng dẫn của họ cũng có hạn chế.

Bà Ngô Thị Huyền Minh cho rằng cần cải thiện hơn nữa các văn bản hướng dẫn hoặc có thể làm bộ hướng dẫn dễ hiểu hơn cho nhóm người khuyết tật, giúp họ có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ công online.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 26/2020/TT-BTTTT quy định việc áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông.

Bà Việt Anh mong muốn, quy định trong Thông tư này mở rộng hơn, không chỉ đối với cơ quan nhà nước hay cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mà bắt buộc áp dụng đối với tất cả cơ quan, tổ chức khi xây dựng website cần đảm bảo quy chuẩn tiếp cận để người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung có điều kiện tiếp cận thông tin trên môi trường số.

Tháo gỡ rào cản, lan tỏa năng lượng tích cực

Công nghệ không chỉ là phương tiện hỗ trợ giao tiếp hữu hiệu giữa người khuyết tật với cộng đồng mà còn giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống, vững tin trên hành trình lan tỏa những năng lượng tích cực tới xã hội.

Để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, làm chủ công nghệ, thời gian qua, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng 50 tổ chức thành viên thường xuyên mở các lớp dạy công nghệ thông tin.

Liên hiệp hội cũng phối hợp với Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng phần mềm số liệu về người khuyết tật. Qua đó, thống kê được có bao nhiêu người khuyết tật, dạng tật, số người khuyết tật có nhu cầu về giáo dục, y tế, việc làm...

Trên cơ sở những số liệu này, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam sẽ đề xuất, thúc đẩy sửa đổi các chính sách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế một cách tốt nhất.

Lao động khuyết tật làm việc tại xưởng sản xuất cùng với những người lao động bình thường khác tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Chilisin Việt Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, trong thời đại công nghệ số, người khuyết tật phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như việc tiếp cận, chi phí..., đặc biệt là các chi phí về công nghệ khá cao nên người khuyết tật rất hạn chế trong việc tiếp cận.

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn lực, rào cản nhận thức đối với người khuyết tật và gia đình của họ... Công nghệ số mang lại nhiều tiện ích nhưng nó cũng có mặt trái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khuyết tật.

Để giải quyết những thách thức này, cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, Nhà nước và xã hội. Song với việc triển khai công nghệ số, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cũng như bổ sung chính sách giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ số một cách tốt nhất.

Thời gian tới, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và 50 tổ chức thành viên sẽ triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy việc dạy công nghệ thông tin, đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người khuyết tật.

Đồng thời, thúc đẩy triển khai các chính sách hỗ trợ để người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin, giúp họ cải thiện đời sống, giảm bớt sự phụ thuộc vào xã hội.

Sau 10 năm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, hơn 10 năm Luật Người khuyết tật đi vào cuộc sống, Việt Nam không ngừng nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật với nhiều giải pháp, có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Trong số đó, chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực đã tạo ra những bước tiến lớn, góp phần thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật. Thực tế cho thấy, cần có thêm các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người khuyết tật được làm quen với công nghệ ở độ tuổi sớm hơn; từ đó giúp họ sớm tiếp cận, làm chủ công nghệ để có công việc tốt hơn trong tương lai, đóng góp tích cực cho xã hội./.