Bài 2: Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển
Các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng và chương trình hành động của các địa phương, các ngành thể hiện rất rõ quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển.
Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò đặc biệt của kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh.
Các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của các địa phương, các ngành thể hiện rất rõ quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển.
Nhất quán trong đường lối phát triển
Hơn 10 năm qua, Đảng đã ban hành hai nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về "Chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Hai Nghị quyết đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với quá trình phát triển đất nước. Theo đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW được đánh giá là “cú hích” lớn đối với kinh tế biển.
Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”
Đặc biệt Nghị quyết số 36 khẳng định quyết tâm“không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển…”
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ. Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.”
Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, khẩn trương triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình lên Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp tới. Đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được thực hiện ở nước ta.
Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, Quy hoạch không gian biển quốc gia mang tính tổng hợp, có tính “động và mở,” “dẫn dắt” và “tích hợp,” định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững; có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, giữa vùng đất liền, vùng biển và vùng trời, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích Quốc gia trên biển.
Quy hoạch sẽ là công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý Nhà nước về biển, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển trên cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên-văn hóa-lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Có thể thấy, phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là xu thế toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước; khẳng định xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Chủ động, tích cực chuyển đổi mô hình kinh tế biển xanh
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế biển xanh trên cơ sở bảo tồn và phát huy các “nguồn vốn biển tự nhiên,” đặc biệt là các nguồn tái tạo như năng lượng gió, nuôi biển, du lịch sinh thái…được xem là một giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với nhiều quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế biển bền vững; một phần thông qua việc đẩy nhanh quy hoạch không gian biển.
Quy hoạch không gian biển là cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam, khi được hiện thực hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng trong Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).
Với vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên trong thực hiện thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển trên tinh thần độc lập, tự chủ.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, những định hướng đúng đắn trong mục tiêu và khâu đột phá, sự quyết tâm chính trị đã mở ra một thời kỳ mới cho phát triển bền vững kinh tế biển theo mô hình kinh tế biển xanh.
Các tỉnh, thành phố có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó đều xác định kinh tế biển là lợi thế và trọng tâm để tạo động lực tăng trưởng tại địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng các quy hoạch ngành như bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…
Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng đồng bộ 5 quy hoạch ngành Quốc gia; trong đó, đã trình ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch mạng lưới đường bộ.
Bộ Công Thương xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những yêu cầu khá cụ thể về quy mô phát triển điện gió ở biển và ven biển… nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt, tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển.” Hướng tới phát triển kinh tế biển xanh, Chính phủ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong cuộc chiến chống lại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương.
Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Việt Nam đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Năm 2019, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc. Năm 2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Việt Nam chủ động, tích cực tham gia các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Ngày 2/7/2020, theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp Trung ương và 10 tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã, bao gồm Hà Tĩnh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tân An (Long An), thành phố Rạch Giá và Phú Quốc (Kiên Giang).
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường…
Tại các địa phương, thông qua các hoạt động của Dự án, nhiều trường học đã xây dựng và triển khai chương trình giáo dục về giảm rác thải nhựa. Hàng ngàn tấn rác thải nhựa được thu gom nhằm ngăn chặn thất thoát ra môi trường biển. Dự án đã hỗ trợ Ban Quản lý các khu bảo tồn biển làm sạch các khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển quan trọng tại Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm.
Các hoạt động của Dự án đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương.”
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế biển Việt Nam theo hướng xanh, bền vững sẽ được triển khai hiệu quả hơn để "hướng ra biển là thịnh vượng”./.