Bài 1: Sâu sát, quyết liệt, vượt khó để tăng trưởng
Trong năm vừa qua sự phát triển kinh tế của nước ta chỉ ở mức 5,05%, nhưng xu thế tăng trưởng rất rõ ràng thông qua những con số thống kê, quý sau cao hơn hẳn quý trước.
Việt Nam bước vào năm 2023 trong bối cảnh bên ngoài “thuận lợi rất nhỏ, khó khăn rất lớn” đối với việc phát triển kinh tế-xã hội.
Song nhờ cách chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, doanh nghiệp… nước ta đạt được tăng trưởng GDP 5,05% - mức tăng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Khó chồng khó vẫn đạt tăng trưởng khá cao
Đến năm 2023, nền kinh tế đất nước đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu nên đã phải chịu tác động mạnh mẽ từ các yếu tố tiêu cực quốc tế như xung đột vũ trang ở châu Âu, Trung Đông, kinh tế thế giới phát triển chậm, nhu cầu tiêu dùng yếu, thiên tai, dịch bệnh… Bên cạnh đó là những yếu kém trong quản lý, sản xuất, lưu thông vốn tồn đọng từ nhiều năm qua.
Dưới sự ảnh hưởng của các điều kiện bên trong và bên ngoài, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,05% theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khi mục tiêu đề ra trước đó là 6,5%.
Quy mô GDP theo mức giá của năm 2023 ước đạt 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo mức giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Mức tăng trưởng 5,05% của Việt Nam được công ty truyền thông Nhật Bản Nikkei, hãng tin Anh Reuters đánh giá là “tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.”
Nhận định của Nikkei và Reuters hoàn toàn có cơ sở nếu đặt sự tăng trưởng GDP của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), do kinh tế toàn cầu suy thoái nên GDP của Singapore chỉ tăng 1,2% trong năm 2023. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) cho biết, GDP năm nay của Thái Lan dự kiến tăng 2,5%. Còn mức tăng GDP dự kiến của Myanmar là 2,8%, Indonesia và Malaysia – cùng vào khoảng 4%.
Trong năm 2023 mức phát triển chung của kinh tế thế giới chỉ đạt 2,9% theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). OECD dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ có mức tăng 2,7% trong năm 2024. Đây là hậu quả từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ đầu năm 2022 và vẫn tiếp diễn vào năm 2024 tại hầu hết các quốc gia.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế số, Việt Nam đạt mức tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022, 2023). Đó là nhận định trong Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google LLC (công ty công nghệ đa quốc gia lớn của Mỹ chuyên về công cụ tìm kiếm), Temasek Holdings (cơ quan về đầu tư của chính phủ Singapore) và Bain (tập đoàn tư vấn toàn cầu) được công bố vào tháng 11/2023.
Cơ sở để kỳ vọng vào năm mới
Tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội Việt Năm đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2024. Mục tiêu này được đánh giá là “khá nặng” nhưng không phải là thiếu cơ sở để thành công.
Trong năm vừa qua sự phát triển kinh tế của nước ta chỉ ở mức 5,05%, nhưng xu thế tăng trưởng rất rõ ràng thông qua những con số thống kê, quý sau cao hơn hẳn quý trước: quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%, quý 4 tăng 6,72%.
Điều đáng chú ý là mức tăng GDP cao trong nửa sau của năm 2023 đạt được là nhờ chính sách tài khóa mở rộng và môi trường lãi suất giảm dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Mục đích là để hỗ trợ tăng trưởng, tập trung vào giảm thuế và phí (giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước) nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.
Về những mặt tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội năm qua tạo “tiền đề sáng” cho năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết:
Năm 2023, chúng ta ghi được rất nhiều dấu ấn, đặc biệt trong điều hành kinh tế-xã hội. Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những dấu ấn quan trọng. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, gắn với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Năm 2023, áp lực ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn, nhưng kết quả cuối cùng là bằng rất nhiều nỗ lực, bằng sự nhịp nhàng trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, chúng ta đã giữ được mức tăng bình quân của chỉ số giá tiêu dùng là 3,25%; lạm phát cơ bản ở mức 4,16%. Kinh tế vĩ mô ổn định chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi các dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, đầu tư, trong thực hiện các giải pháp cấp bách để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong số này có Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội và các biện pháp giải quyết các vấn đề tồn đọng của nền kinh tế, như gỡ vướng cho các dự án kém hiệu quả, xử lý các ngân hàng cần tái cơ cấu… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện các đột phá chiến lược, như đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thể chế.
Việc phân tích số liệu kinh tế của năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố cũng làm “phát lộ” những điểm mạnh mà chúng ta đã đạt được.
Thứ nhất, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục khẳng định là bệ đỡ khi tốc độ tăng đạt 3,88%, mức cao nhất so với tốc độ tăng tương ứng của tất cả 4 năm trước (năm 2019 có mức tăng 2,67%, năm 2020 tăng 3,04%, năm 2021 tăng 3,27%, năm 2022 tăng 3,36%). Sự phát triển của ngành dịch vụ khá cao (6,82%) và tăng dần qua các quý. Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 3,74% và cũng có xu hướng cao lên qua các quý.
Thứ hai, dù nhu cầu tiêu dùng nói chung trên thế giới yếu đi song trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa chúng ta vẫn đạt mức xuất siêu cao là 28 tỷ USD.
Thứ ba, việc thu hút đầu tư nước ngoài đạt 36,61 tỷ USD và mức vốn giải ngân đạt 23,18 tỷ USD.
Thứ tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022.
Thứ năm, có gần 218.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023, tăng 4,5% so với năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định trong năm 2024 nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Từ góc độ "ở ngoài nhìn vào," nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao triển vọng của nền kinh tế nước ta trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ba đơn vị hàng đầu thế giới về xếp hạng tín nhiệm về tài chính là Moody's Investors Service, Standard & Poor's và Fitch Ratings đã nâng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 và BB+, đánh giá nền kinh tế nước ta có triển vọng “ổn định.”
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đến hết năm 2022 đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Đây là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022./.