Bài 1: Hướng ra biển là con đường duy nhất đảm bảo thịnh vượng
Là quốc gia có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển.
Phát triển kinh tế biển xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu, được xem là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển.
Đây cũng là yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về biển và đại dương đến năm 2030 của Liên hợp quốc gắn với những thành tựu của nền kinh tế tri thức và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Là quốc gia có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này nhằm đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển.
Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết: "Kinh tế biển xanh-cánh cửa mở ra tương lai bền vững."
Bài 1: Hướng ra biển là thịnh vượng
Theo Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á, kinh tế biển xanh là mô hình kinh tế sử dụng hạ tầng và công nghệ xanh, các cơ chế tài chính sáng tạo và sắp xếp thể chế chủ động để đạt mục tiêu bảo vệ biển, vùng bờ biển và tăng cường khả năng đóng góp vào phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm kinh tế biển xanh được làm rõ trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh-Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam-Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tháng 5/2022.
Theo đó, kinh tế biển xanh là nền kinh tế sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, cũng như “sức khỏe” hệ sinh thái biển.
Tiềm năng đa dạng, dồi dào
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, trên 3.000 hòn đảo. Dân số của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm hơn 50% dân số cả nước; phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển. Với điều kiện địa chính trị, địa kinh tế, Việt Nam có những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển.
Theo Cục Biển và Hải đảo Viêt Nam, biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khoang sản khác nhau; trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa, có tầm chiến lược quan trọng. Vùng biển phát hiện khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau và khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới.
Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Đó là ngư trường đánh bắt truyền thống rộng lớn với hơn 2.000 loài cá; trong đó 130 loài có giá trịnh kinh tế cao, trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Trữ lượng nguồn lợi hải sản bình quân hàng năm ước tính vào khoảng 4,364 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa.
Ngư trường khai thác thủy sản được phân làm 5 vùng chính: Vịnh Bắc Bộ chiếm 17,3% nguồn lợi thủy sản; vùng Duyên hải miền Trung chiếm 20%; vùng Đông Nam Bộ chiếm 25,6%; vùng Tây Nam Bộ 13,4% và vùng giữa Biển Đông là 23,7%.
Việt Nam có tiềm năng phát triển, nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Diện tích có thể khai thác là 500.000ha vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp. Đến nay, khoảng 57.000ha đã được sử dụng; 443.000ha còn lại vẫn ở dạng tiềm năng. Du lịch biển là ưu thế đặc biệt. Với 125 bãi biển lớn nhỏ, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế... nắng ấm quanh năm, không khí trong lành cùng nhiều cảnh quan đẹp là điều kiện lý tưởng để Việt Nam xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp.
Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu như Vịnh Hạ Long, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới và đã được công nhận là Kỳ quan Thiên nhiên của thế giới. Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh. Bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Đảo và vùng ven biển tập trung nhiều di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa-lịch sử; các lễ hội, tín ngưỡng dân gian liên quan đến biển…
Phát huy những lợi thế này, du lịch biển hàng năm đóng góp khoảng 70% doanh thu của ngành Du lịch cả nước. Một lợi thế rất quan trọng khác là vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam rất thuận lợi phát triển thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển.
Dọc bờ biển, hơn 100 điểm xây dựng được hải cảng, đặc biệt là cảng nước sâu quy mô lớn. Đến nay, nước ta đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 26 quốc gia; phát triển được 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45.000m; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển…
Nhận diện rõ thách thức
Khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nhiều chuyên gia lưu ý cần phải có giải pháp trọng tâm, trọng điểm bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, nhận định đại dương đang đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác. Những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi các vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng. Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm. Một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…
Liên hợp quốc cảnh báo 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy. Ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là những vùng đất ngập nước ven biển như Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nam Định…
Biến đổi khí hậu tác động tới các hệ sinh thái theo nhiều cách khác nhau. Nước biển dâng 5m sẽ khiến Việt Nam mất 16% diện tích đất liền, đe dọa 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người, là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững.
Tuy vậy, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ trọng lớn. Việt Nam là một trong số những nước thải lượng lớn rác nhựa ra đại dương với khối lượng khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển trên toàn thế giới. 80% rác thải nhựa xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người; 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng rác thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái cỏ biển và san hô trong các khu bảo tồn./.