Bài 1: Cuộc “cách mạng xanh” nhìn từ chính sách của Đảng và Nhà nước

Một trong những quan điểm nhất quán và xuyên suốt ở các chiến lược lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Thúc đẩy phát triển năng lượng Xanh, nguồn điện sạch. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nhận định, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay." Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều giai đoạn cách mạng, nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên cơ sở không ngừng phát triển và hoàn thiện lý luận, tổ chức thực hiện về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trước năm 1975, nhân dân Việt Nam đã tiến hành hơn 200 cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng các nước lớn như Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Sau năm 1975 - dấu mốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào trận địa mới: sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.

Nhìn lại gần 50 năm sau khi thống nhất đất nước, 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 34 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 và những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị trên thế giới, nhưng thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 35 trong tốp 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam năm 2022, Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo dự báo biến đổi khí hậu có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2050 nếu không có biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp. Trước bối cảnh này cộng hưởng cùng xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu, cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự tham gia của toàn xã hội, với “khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới” (trích Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030).

Vì vậy, nguồn vốn ngân hàng luôn được coi là “huyến mạch” và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng “Xanh hóa” thì nguồn vốn “tín dụng Xanh” đóng vai trò làm “bà đỡ” sẽ góp phần tạo động lực, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, không gây hại cho môi trường.

Bài 1: Cuộc “cách mạng xanh” nhìn từ chính sách của Đảng và Nhà nước

Một trong những quan điểm nhất quán và xuyên suốt ở các chiến lược lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Hiện tại, “cuộc chơi" của thế giới chuyển dịch theo hướng giảm phát thải, ít tác động đến môi trường. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Trong đó, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới. Các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực đã tham gia vào tiến trình “giảm nâu - tăng xanh." Với những tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Nếu nhìn từ các văn kiện, hay chính sách, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Chính phủ suốt giai đoạn từ năm 2014, chúng ta nhận thấy một quan điểm nhất quán và xuyên suốt: Phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 nêu rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước đến giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhiệm vụ trọng tâm gồm huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cũng chỉ ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội: Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Đồng thời cần xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia; cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26 (Nguồn: TTXVN)

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết đưa phát thải ròng về mức "0" vào năm 2050 của Việt Nam. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan và nhiều doanh nghiệp đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Khung pháp lý về tín dụng xanh bắt đầu được xây dựng khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (theo Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014). Đến ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nghị định 163/2018 do Chính phủ phát hành được coi là khung pháp lý đầu tiên cho trái phiếu xanh doanh nghiệp tại Việt Nam.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã nhấn mạnh vai trò của việc phát triển bền vững và yêu cầu các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Điều này tạo cơ sở cho các ngân hàng và tổ chức tài chính xem xét và cấp tín dụng cho các dự án xanh. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, với những quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng Ozon, về danh mục phân loại xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Năm 2021, sổ tay "Hướng dẫn trái phiếu xanh" ra mắt nhằm hướng dẫn các tổ chức áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về trái phiếu xanh. Với chỉ đạo sát sao từ Đảng, Nhà nước, hành lang pháp lý cho tín dụng xanh tại Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển nhằm hỗ trợ các dự án và hoạt động bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26 (Nguồn: TTXVN)

Gần đây nhất, các thông điệp phát đi từ các nguyên thủ quốc gia cũng truyền tải thông điệp “xanh". Ngày 12/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, được tổ chức trực tuyến ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc, trong đó nêu rõ: Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào Hội nghị và những nỗ lực chung nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của thế giới gắn liền với chuyển đổi xanh, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng xanh và tài chính xanh.

Ngoài ra, chủ trì Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) vào sáng 2/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 chỉ đạo cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư để phát triển xanh.

Đặc biệt, với quan điểm “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển,” các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 nói riêng, ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung cần huy động sự tham gia tích cực, mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp./.

Bài 2: “Cách mạng xanh” toàn ngành ngân hàng góp phần vào phát triển bền vững