Bắc Ninh: Tìm thấy mảnh khuôn đúc trống đồng kích thước lớn ở Thành cổ Luy Lâu

Các chuyên gia khẳng định Luy Lâu là một trung tâm luyện kim, đúc đồng lớn rất có giá trị trong nghiên cứu về quy trình đúc trống đồng người Việt cổ, sức sống mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn.

Ngày 20/12, tại Khu di tích quốc gia thành cổ Luy Lâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành cổ Luy Lâu.

Luy Lâu là tòa thành cổ nằm bên bờ sông Dâu xưa, vốn là trị sở của quận Giao Chỉ và thủ phủ của cả Giao Châu, là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, trung tâm tôn giáo cổ xưa của Việt Nam. Đây là đô thị lớn vào loại bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam, có số lượng và loại hình di tích, di vật phong phú, đa dạng với các khu di tích khác trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công Nguyên.

Thành cổ Luy Lâu thu hút sự quan tâm, chú ý của giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước. Năm 1999, Tiến sỹ Nishimura Masanari (Nhật Bản) đã phát hiện 1 mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên trong khu vực thành Nội. Phát hiện này hé mở cho giới nghiên cứu khảo cổ học hy vọng tìm thấy các dấu tích của một trung tâm đúc trống đồng ngay trong lòng thành cổ Luy Lâu.

15 năm sau, năm 2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) phối hợp khai quật nghiên cứu và phát hiện dấu vết một công xưởng luyện kim, đúc đồng, tìm thấy hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng và các vật dụng liên quan. Phát hiện này là bằng chứng chân thực, chứng minh trống đồng được đúc ngay trong lòng thành cổ Luy Lâu.

Để tìm hiểu sâu hơn về sự phân bố công xưởng luyện kim và các vấn đề liên quan đến hoạt động đúc trống đồng, ngày 7/10/2024, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật khu vực phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng tại di tích thành cổ Luy Lâu.

Sau một thời gian khai quật, báo cáo sơ bộ cho biết đã thu được hơn 2.300 mảnh khuôn đúc trống đồng. Trong số các mảnh khuôn tìm thấy có hai loại là khuôn đã được sử dụng đúc trống với bề mặt bị cháy xám cứng và khuôn mới sấy chưa được sử dụng đúc có bề mặt màu hồng nhạt, khá bở. Trong đó, có một mảnh khuôn đúc ngoài của mặt trống khá lớn, có đầy đủ các họa tiết hoa trang trí từ tâm trống ra vành ngoài, cùng với mảnh khuôn ở các vị trí tang, thân và chân trống đã bổ sung thêm nhận thức và nhìn nhận một cách chính xác về trống đồng đúc tại Luy Lâu.

Đáng chú ý, sau nhiều năm khai quật Luy Lâu, đây là lần đầu tiên phát hiện di tích, di vật thời Trần có số lượng khá lớn, nằm rải rác trong các lớp đất phía trên của tòa thành. Điều này cho thấy vào thời Trần, khu vực thành Luy Lâu đã được sử dụng trong một thời gian dài.

Trên cơ sở kết quả khai quật, các chuyên gia khẳng định Luy Lâu là một trung tâm luyện kim, đúc đồng lớn rất có giá trị trong nghiên cứu về quy trình đúc trống đồng của người Việt cổ và sức sống mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Do đó, việc tiếp tục thực hiện các cuộc nghiên cứu khai quật di tích công xưởng này tại thành cổ Luy Lâu là rất cần thiết, nhằm tìm hiểu một cách toàn diện về các hoạt động liên quan đến luyện kim, đúc đồng tại đây./.