Bạc Liêu: Trẻ em nô nức đến chùa học chữ Khmer trong dịp Hè

Những lớp học chữ Khmer là việc làm thiết thực, ý nghĩa của các bậc phụ huynh trong việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer.

Học chữ Khmer vào dịp Hè là việc làm thiết thực, ý nghĩa trong việc góp phần chung tay giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Vào dịp Hè, phụ huynh ở các phum, sóc có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu lại hồ hởi đưa con em đến chùa để học chữ Khmer.

Những lớp học này là việc làm thiết thực, ý nghĩa của các bậc phụ huynh trong việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer; giúp con em mình rời xa điện thoại, màn hình tivi, máy tính,... hòa mình vào dòng chảy của văn hóa dân tộc qua các buổi học tại nhà chùa.

Trong những tháng Hè, bà Sơn Thị Phe hằng ngày đều đưa 2 cháu của mình đến chùa Moniserey Sophon Cosđôn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) học chữ. Hai cháu trai của bà sẽ bắt đầu học vỡ lòng những chữ Khmer.

Bà Phe cho biết: "Cố gắng mấy tháng Hè cho các cháu đi học để biết mấy chữ “Co-Kho” (các phụ âm đầu tiên trong bảng nguyên âm chữ Khmer) cũng được. Chịu khó mấy mùa hè thì các cháu nó sẽ biết đọc, biết viết được chữ Khmer."

Trong các buổi lên lớp, Ban Quản trị chùa và Đại đức Thạch Dương Trung - Trụ trì chùa Moniserey Sophon Cosđôn - luôn động viên học sinh đi học chuyên cần, ra sức học tập để có thể đọc, viết ngôn ngữ của chính dân tộc mình, làm hành trang tri thức sau này.

Đại đức Thạch Dương Trung, Trụ trì chùa Moniserey Sophon Cosđôn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) động viên và tặng dụng cụ học tập cho học sinh tham gia khóa học hè tại chùa. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Hè năm nay, chùa này có 60 cháu tham gia học ở 3 khối lớp chữ Khmer, từ lớp 1 đến lớp 3.

Còn tại chùa Komphirsakor Prêk Chru (chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu), 6 lớp dạy chữ Khmer đã được triển khai từ tuần cuối tháng 5/2024, bao gồm 4 lớp 1, 1 lớp 2 và 1 lớp 3.

Các lớp học chia làm 2 ca trong ngày, do các vị sư trong chùa phụ trách giảng dạy.

Hòa thượng Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán - cho biết: “Việc giảng dạy chữ Khmer vào dịp Hè của chùa đã trở thành thông lệ hằng năm, được phật tử đồng tình ủng hộ, các học sinh đi học rất tích cực. Trong chùa có nhiều cây xanh, khuôn viên rộng rãi nên thuận lợi mở các lớp dạy chữ, giúp trẻ em biết đọc, viết chữ Khmer.”

Hòa thượng Tăng Sa Vong - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Buppharam (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) - cho biết có 20/22 chùa Phật giáo Nam tông trong tỉnh mở các lớp dạy chữ Khmer dịp Hè năm 2024.

Ngoài dạy ngữ văn Khmer, nhiều chùa Khmer trên địa bàn tỉnh còn mở các lớp Giáo lý, Pali cho các vị sư đang tu học tại chùa.

Chùa Buppharam Hè này cũng mở 6 lớp dạy chữ cho trẻ em ở các ấp quanh chùa.

Nhà chùa đang đặt may, in đồng phục cho học sinh, chuẩn bị lắp thêm 10 bộ máy vi tính để dạy thêm cho các cháu.

Việc giảng dạy chữ Khmer vào dịp Hè được các chùa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu duy trì hàng năm. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ 520 triệu đồng cho người dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp Hè. Đây là chính sách đặc thù của tỉnh, bên cạnh thực hiện đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 17.000 hộ người dân tộc Khmer với hơn 75.000 nhân khẩu, chiếm 7,6% dân số. Đồng bào chủ yếu làm nghề nông, sống quần tụ quanh 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các địa phương trong tỉnh.

Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer toàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, giúp cho việc học tập, giao thương và đi lại của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng thuận tiện, đời sống phát triển.

Người Khmer ngày càng quan tâm hơn đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp, trong đó có chữ viết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh luôn được quan tâm đặc biệt, được thực hiện đầy đủ và kịp thời, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rất rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc không ngừng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đồng bào đặt trọn niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ, cùng nhau thi đua xây dựng cuộc sống, quê hương ngày càng phồn vinh, phát triển.

Tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc như: hỗ trợ người dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp Hè; cân đối kinh phí địa phương vượt cao hơn tỷ lệ Trung ương quy định để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm đáng kể, hiện toàn tỉnh chỉ còn 808 hộ nghèo chiếm 3,86%. Đây là những kết quả rất tích cực, khả quan từ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhân dân, sự đóng góp nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ và sự nỗ lực không ngừng của đồng bào, các vị chư tăng Khmer./.