Bạc Liêu: Chi phí tăng, ngư dân trăn trở cho tàu nằm bờ hay vươn khơi
Trước sức ép của chi phí khai thác ngày càng tăng và giá của các loại thủy hải sản ngày càng thấp khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều chủ tàu dù không muốn nhưng đành cho tàu nằm bờ.
Sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, trong khi giá bán giảm và chi phí đầu tư cho mỗi chuyến vươn khơi ngày càng tăng cao khiến cho nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gặp khó.
Nhiều chủ tàu luôn trăn trở giữa việc cho tàu nằm bờ và vươn khơi. Trở về sau chuyến biển nhiều ngày, thuyền trưởng Lê Minh Tiến ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, chia sẻ chuyến đi biển dài ngày này sẽ khó bù đủ chi phí do giá xăng dầu cao, lượng thủy sản thu được ít hẳn so với nhiều chuyến biển trước. Chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng cao mà giá hải sản cũng bấp bênh nên nghề đi biển mấy tháng nay khó quá.
Cũng theo ông Tiến, sản lượng khai thác trong những năm gần đây giảm hẳn, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng ít đi, ngư dân luôn trăn trở mỗi khi xuất bến vì sợ thu không đủ bù chi cho các chuyến biển.
Ông Đặng Quốc Thùy, ngư dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết: Giá bán các loại xăng tăng ảnh hưởng rất lớn đến ghe tàu. Giả sử lúc trước chi phí khoảng 100 triệu thì bây giờ phải tăng lên đến gần gấp đôi. Chưa kể việc khai thác thì cũng không hề dễ dàng, cá tôm thì ít hơn trước đây.
“Chi phí ngày càng tăng lên, sản lượng ít đi, giá bán không ổn định, nguồn lao động khan hiếm, phải thuê lao động với mức lương cao nên có thể nói rằng, năm nay khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, dù biết lỗ nhưng đây là nghề cha truyền con nối nên đi được chuyến nào trúng thì bù lỗ lại,” ông Thùy cho biết thêm.
Cùng với chi phí đầu tư cho các chuyến biển tăng cao, ngư dân cũng lo lắng bởi thời điểm hiện nay đang vào mùa mưa bão. Nếu chuyến biển ra khơi không thuận lợi, tàu thuyền buộc phải quay vào bờ và các khoản chi phí đầu tư vẫn phải chi ra.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có trên 800 chiếc tàu cá đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất hơn 202.000CV; tổng số thuyền viên gần 5.400 người), số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên 446 chiếc. Sản lượng khai thác hiện đạt trên 41.000 tấn.
Bạc Liêu là địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh, trung bình mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn. Đánh bắt, khai thác thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành thủy hải sản của cả nước.
Tuy nhiên, trước sức ép của chi phí khai thác ngày càng tăng, trong khi giá cả của các loại thủy hải sản ngày càng thấp càng khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ tàu và ngư dân dù không mong muốn nhưng cũng đành treo tàu nằm bờ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do giá nhiên liệu tăng, cùng với thời tiết trên biển diễn biến phức tạp nên hiệu quả khai thác thủy sản của các đội tàu giảm đáng kể, chỉ 40-60% số tàu hoạt động hiệu quả. Còn lại chỉ hòa vốn và lỗ phí, một số phải tạm ngưng hoạt động, hiệu quả một số nghề khai thác như nghề lưới cá khoai, lưới tôm...
Cùng đó, ngành khai thác thủy sản của tỉnh đã và đang đối mặt với khá nhiều tồn tại, bất cập và thách thức như chưa có quy hoạch khai thác thủy sản cụ thể cho từng vùng biển theo nhóm nghề nên cơ cấu nghề, vùng khai thác chưa hợp lý; năng lực tàu khai thác còn hạn chế, công suất thấp, ngư cụ khai thác lạc hậu, chậm đổi mới.
Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm, hoạt động khai thác sai vùng,… đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản.
Mặt khác, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, năng lực khai thác thác thủy sản xa bờ còn hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; tổ chức sản xuất khai thác mang tính nhỏ lẻ, tự phát chưa có sự liên kết và hợp tác trong sản xuất. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu lạc hậu, chậm đổi mới, tổn thất sau thu hoạch lớn, hiệu quả sản xuất thấp.
Để phát triển khai thác thủy sản bền vững và trách nhiệm, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả để phát triển ngành khai thác thủy sản. Tỉnh triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Đồng thời, chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định…/.