Bắc Giang: Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 của tỉnh Bắc Giang có tổng nguồn vốn trên 586 tỷ đồng, triển khai 10 dự án thành phần.
Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Trương Văn Bảo, thời gian tới, tỉnh quan tâm thực hiện tốt các dự án, chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn.
Đặc biệt, giai đoạn 2024-2026, Bắc Giang ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh công tác giảm nghèo; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; các vấn đề tái định cư, nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng miền núi, dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường sinh thái; thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Từ nay đến năm 2026, Bắc Giang đặt mục tiêu giảm bình quân 2,5%/năm hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm; phấn đấu có 2 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Toàn tỉnh sẽ hỗ trợ 252 hộ làm nhà ở, 1.334 hộ thực hiện chuyển đổi nghề; đầu tư xây dựng 6 công trình nước sinh hoạt tập trung; hoàn thành 30km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã.
Tỉnh sẽ xây mới, cải tạo nâng cấp 2 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 91 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường học; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú.
Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 điểm đến du lịch tiêu biểu; bảo tồn 2 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; xây dựng 10 thiết chế văn hóa, thể thao ở vùng miền núi và dân tộc.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Giang 3 năm 2024-2026, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình, gồm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bắc Giang bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em...
Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang huy động, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, trao quyền cho Ủy ban Nhân dân xã, thôn, bản, quyền tự chủ cho cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển kinh tế; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm;” tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án tại cơ sở.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có tổng nguồn vốn trên 586 tỷ đồng, triển khai 10 dự án thành phần.
Sáu tháng đầu năm 2024, các ngành, huyện thuộc Chương trình đã chủ động thực hiện và kiểm tra giám sát chương trình; tập trung đẩy nhanh tiến độ về khối lượng và giải ngân nguồn vốn được giao.
Tính đến ngày 31/5/2024, giá trị giải ngân đạt trên 114 tỷ đồng, bằng 25,05% tổng vốn đã phân bổ đợt 1.
Thực hiện một số chương trình, chính sách đặc thù của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phân bổ 46,6 tỷ đồng xây dựng 24 công trình ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, có 14 công trình đã hoàn thành khối lượng xây lắp và các chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công trình cơ quan chuyên môn, 8 công trình đang thi công xây dựng đạt trên 50% khối lượng./.