Ba yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng cuối năm
Ba yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng là diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, khả năng sử dụng nguồn tài chính thay thế của khách hàng và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Ngày 15/7, Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả cuộc “Điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng” với nhiều thông tin đáng chú ý.
Kết quả điều tra cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng cho biết đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2023. Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức cao (từ 75% trở lên) của nhóm 14 ngân hàng thương mại trọng yếu trong kỳ này tiếp tục là 100%.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng cho biết có xu hướng “không đổi” hoặc “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đúng như dự kiến tại cuộc điều tra 6 tháng cuối năm 2023. Xu hướng này ghi nhận ở các lĩnh vực: Cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao; cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ; cho vay mua nhà để ở; cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu; cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch và nhóm khách hàng cá nhân.
Các tổ chức tín dụng cũng giảm bớt xu hướng “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực: Đầu tư kinh doanh chứng khoán; đầu tư kinh doanh bất động sản; kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; xây dựng.
Các tổ chức tín dụng kỳ vọng, xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ nhiều hơn so với 6 tháng đầu năm. Theo đó, tiêu chuẩn tín dụng dự kiến “nới lỏng” đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ 4 lĩnh vực: Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản; cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; xây dựng dự kiến vẫn tiếp tục “thắt chặt” nhưng xu hướng “thắt chặt” thu hẹp hơn so với 6 tháng đầu năm 2024.
Về nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định chỉ phục hồi nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Do vậy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được cải thiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2024, tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhu cầu vay của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tính chung cả năm 2024, tỷ lệ tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra này dự kiến nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “tăng” so với năm 2023 là 79,4% (thấp hơn tỷ lệ 82% của kỳ điều tra trước). Trong 4 lĩnh vực chính được thống kê, tại kỳ điều tra này, nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng có tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo “tăng” nhiều nhất trong năm 2024 thay vì lĩnh vực vay phát triển công nghiệp và xây dựng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Còn các yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng trong thời gian tới được các tổ chức tín dụng chỉ ra là: Diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản; khả năng sử dụng nguồn tài chính thay thế của khách hàng; sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Có 4 động lực tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong năm 2024 và dự kiến 2025 được các tổ chức tín dụng chỉ ra là: Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; thép và kim loại khác; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, rủi ro tín dụng của các khoản vay được nhận định tiếp tục “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2024 và được dự báo tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” trong 6 tháng tới và cả năm 2024 nhưng tốc độ tăng dự báo chậm lại nhiều so với năm 2023. Trong đó, rủi ro tín dụng của các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản có tỷ lệ tổ chức tín dụng đánh giá “tăng” cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2024, tiếp theo là rủi ro tín dụng của khoản vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, tuy nhiên tỷ lệ tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro của 2 lĩnh vực này “tăng” thấp hơn so với tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo tại kỳ điều tra trước./.