Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp khó

Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đồng loạt triển khai nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, kỹ thuật.

Công nhân vệ sinh ao lắng lọc tại khu nuôi công nghệ cao của Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, thành phố Bà Rịa. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút được một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bước đầu đã tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình đang còn gặp khó khăn.

Còn nhiều khó khăn

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP,… đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc khiến các dự án không nhân rộng, mở rộng quy mô được.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa cho biết, năm 2019 hợp tác xã đã quyết định đầu tư 5 tỷ đồng triển khai nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng]

Hợp tác xã đã quy hoạch khoảng 2ha, với 3 trang trại nuôi, mỗi trang trại 4 hồ nuôi, với hơn 5.000m2, 2 ao thải và 3 ao lắng. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nếu như trước đây hợp tác xã chỉ nuôi được 1 vụ tôm/năm trong ao đất, thì nay đã tăng lên nuôi được 3 vụ/năm, năng suất đạt 50-60 tấn/vụ/3 fram nuôi (150-180 tấn/năm), doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15-20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu về trên 8 tỷ đồng từ nuôi tôm công nghệ cao.

Ông Chuyên nhận thấy đây là mô hình cần đem lại lợi nhuận rất cao, cần được nhân rộng để ngành nuôi thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay phía hợp tác xã rất muốn mở rộng quy mô, diện tích nuôi tôm công nghệ cao thêm 1ha nữa nhưng nhiều năm nay hợp tác xã vẫn chưa thể chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, nhiều diện tích đất của hợp tác xã hiện nay đang vướng nhiều quy hoạch của thành phố, của tỉnh nên việc mở rộng diện tích càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Còn ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ cacao Thành Đạt, ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết công ty chuyên thu mua, chế biến hạt cacao thô nguyên chất, sản xuất bột cacao, kẹo socola và được xuất khẩu đi Nhật Bản và 1 số nước.

Hiện tại, phía công ty đang liên kết sản xuất với bà con nông dân trồng cacao trên địa bàn huyện Châu Đức, với 200ha/gần 200 hộ dân, trong đó có 10ha/5 hộ trồng theo tiêu chuẩn Oganic.

Ông Thành chia sẻ thêm hiện nay các đối tác nước ngoài đặt hàng rất nhiều vào khoảng 5.000 tấn hạt cacao thô/năm nhưng phía doanh nghiệp ông lại không đáp ứng được đủ sản lượng, mỗi năm doanh nghiệp chỉ thu mua được của bà con nông dân khoảng 300- 400 hạt/năm.

Nhiều năm nay, phía công ty rất muốn thuê lại từ địa phương một quỹ đất lớn tập trung để làm khu vườn trình diễn mẫu trồng cacao theo công nghệ cao, chuẩn hữu cơ để chuyển giao các khoa hoc, kỹ thuật canh tác theo đúng quy trình cho bà con nông dân trồng cacao, cũng như để doanh nghiệp mở rộng thêm diện tích trồng cacao, phần nào đáp ứng được nhu cầu của phía đối tác. Thế nhưng, hiện địa phương vẫn chưa có quỹ đất lớn tập trung để cho doanh nghiệp thuê lại.

Việc đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật của doanh nghiệp cho bà con, khiến việc chuyển giao thiếu tính tập trung, rời rạc, kỹ sư của doanh nghiệp phải tới tận các vườn “cầm tay chỉ việc” người dân nhiều lần, rất mất thời gian mà hiệu quả không cao, kỹ thuật của nhà vườn chưa đáp ứng được hết yêu cầu của doanh nghiệp đề ra.

Bên cạnh đó, mặc dù có chính sách hỗ trợ vốn từ nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng hầu hết chưa có doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Trong khi đó, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao lại đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, rủi ro lại rất cao, chưa tiếp cận chinh sách hỗ trợ từ nhà nước nên nhiều người dân cũng như doanh nghiệp còn rất e dè trong việc đầu tư vào lĩnh vực này.

Tháo gỡ khó khăn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nhận định hiện tại tiến độ thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư, xét chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh tương đối chậm so với tiến độ đề ra.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ca cao Thành Đạt, huyện Châu Đức kiểm tra quy trình sản xuất socola tại cơ sở sản xuất của công ty. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, một số huyện, thị, thành phố thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khó khăn trong công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch xây dựng, làm chậm thu hút đầu tư với các doanh nghiệp.

Một số diện tích đất được quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ hoặc đất có nguồn gốc rừng nên các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng mất nhiều thời gian do phải trung ương chấp thuận.

Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ đồng loạt triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn, đất đai và kỹ thuật.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngoài việc đẩy mạnh các Nghị quyết đã ban hành, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ.

Hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản,... khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND. Đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, tỉnh sẽ công bố quy hoạch khoanh vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao công khai và rõ ràng cho mọi đối tượng trong tỉnh biết.

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát các khu đất được quy hoạch, khoanh vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, tạo quỹ đất sạch để tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao./.

Thu hoạch dưa trồng trong nhà lưới. Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hoàng Nhị (TTXVN/Vietnam+)