Ba hãng viễn thông hàng đầu của Trung Quốc tăng mạnh chi trả cổ tức
China Telecom - một trong ba hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc - đã công bố tăng cổ tức tạm thời lên cao hơn 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái năm ngoái, đạt 0,1671 NDT/cổ phiếu.
Ba nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc vừa thông báo sẽ chi trả cổ tức tạm thời cho nửa đầu năm 2024 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giảm đầu tư vốn.
Đây là kết quả từ định hướng của Chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp này chuyển hướng tập trung vào hiệu suất thị trường chứng khoán và lợi nhuận của cổ đông.
Ngày 20/8, China Telecom - một trong ba hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc - đã công bố tăng cổ tức tạm thời lên cao hơn 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái năm ngoái, đạt 0,1671 NDT/cổ phiếu.
Tổng số tiền mà China Telecom trả cho các cổ đông lên tới 15,29 tỷ NDT (2,14 tỷ USD). Đáng chú ý mức tăng cổ tức này vượt lợi nhuận ròng của doanh nghiệp, tăng 8,2% trong sáu tháng đầu năm, lên 21,46 tỷ NDT.
Với cam kết "chia sẻ kết quả phát triển" với các cổ đông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của China Telecom, Ke Ruiwen, khẳng định sẽ tăng thêm tỷ lệ chi trả cổ tức lên hơn 75% trong ba năm tới, bắt đầu từ năm 2024. Tỷ lệ này là 40% vào năm 2020 và đã được nâng dần, đạt khoảng 70% trong nửa đầu năm nay.
Cùng với việc tăng cổ tức, China Telecom cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu vốn. Trong nửa đầu năm nay, chi tiêu vốn của hãng đạt 47,2 tỷ NDT, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch cả năm là cắt giảm chi tiêu đầu tư 2,9% xuống còn 96 tỷ NDT.
Mô hình thanh toán cổ tức cao hơn và chi tiêu vốn thấp hơn cũng phổ biến trong số các công ty cùng ngành viễn thông, với China Mobile dẫn đầu về mức chi trả cổ tức. Nhà mạng di động lớn nhất Trung Quốc, đồng thời lớn nhất thế giới, lần đầu tiên thông báo vượt 1 tỷ thuê bao vào tháng 6/2024.
Chủ tịch Yang Jie của China Mobile cho biết hãng đã phân phối tổng cộng hơn 1.300 tỷ NDT cho các cổ đông, tính từ khi niêm yết vào năm 1997.
Trong giai đoạn báo cáo mới nhất, Hội đồng quản trị của công ty đã cam kết tăng cổ tức tạm thời thêm 7% lên 2,6 dollar Hong Kong (HKD) cho mỗi cổ phiếu, tổng cộng sẽ chi trả 55,56 tỷ HKD (7,12 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng cổ tức nhanh hơn tốc độ lợi nhuận ròng tạm thời, vượt 5,3% lên 80,2 tỷ HKD từ tháng 1-6/2024.
Đầu năm nay, China Mobile đã cam kết sẽ tăng tỷ lệ chi trả cổ tức lên hơn 75% trong giai đoạn ba năm kể từ năm 2024. Chủ tịch Yang chia sẻ mục tiêu chi tiêu vốn hàng năm của hãng vẫn giữ nguyên ở mức 173 tỷ NDT, hoặc giảm 4% so với năm ngoái.
China Unicom, hãng nhỏ nhất trong bộ ba “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc, cho biết sẽ tăng cổ tức tạm thời 22,2% lên 0,2481 NDT cho mỗi cổ phiếu, đồng thời giảm chi tiêu vốn 13,4% xuống còn 23,9 tỷ NDT trong giai đoạn này. Đầu tư cả năm của hãng dự kiến sẽ cắt giảm 12% xuống còn 65 tỷ NDT. Tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty là 55%.
Cổ tức cao với chi phí vốn thấp là xu hướng thị trường hiện tại ở Trung Quốc, nơi các cổ phiếu có lợi suất cao được các nhà đầu tư đón nhận nồng nhiệt, giữa bối cảnh triển vọng kinh tế chung vẫn ảm đạm.
Lý giải nguyên nhân cắt giảm vốn đầu tư của các nhà mạng viễn thông Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng 5G đã đạt đỉnh. Về công nghệ 5G-Advanced (5G-A) mới nhất, được coi là tiền thân của thế hệ 6G tiếp theo, Chủ tịch Ke của China Telecom xác nhận rằng: "Nó sẽ không đòi hỏi đầu tư đáng kể."
Chủ tịch Yang của China Mobile cho biết việc sử dụng thương mại 6G sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là vào năm 2028. Điều này tạo ra nhiều không gian cho các nhà khai thác viễn thông tăng chi cho những mục đích khác.
Kể từ khi một văn bản do Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc ban hành vào tháng 5/2022, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt nâng cao chất lượng các công ty con niêm yết của họ, áp lực ngày càng gia tăng đối với các công ty để đẩy mạnh các nỗ lực "quản lý giá trị thị trường."
Văn bản nêu rõ các công ty cần thúc đẩy cải thiện quản trị doanh nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin, tiến hành mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức tiền mặt.
Ông Xie Xiaobing, người đứng đầu cơ quan quản lý quyền sở hữu tài sản của Ủy ban trên, cho biết đã đề xuất đánh giá hiệu suất công việc đối với các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước phải gắn liền với hiệu suất thị trường. Ông Xie đặc biệt đề cập đến việc các doanh nghiệp nên trả nhiều cổ tức tiền mặt hơn, "để cải thiện tốt hơn lợi nhuận cho cổ đông"./.