Australia bắt đầu cuộc tập trận không quân đa quốc gia lớn nhất

Các phi công đến từ 17 quốc gia sẽ lái khoảng 100 máy bay quân sự hàng đầu thế giới như Su-30, F-15, F-16, F-35 Lightning II, Eurofighter Typhoons... và thực hiện các bài tập mô phỏng phức tạp.

Máy bay chiến đấu KF-16 và máy bay tiếp dầu KC-330 của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Pitch Black 2022. (Ảnh: DPA)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) ngày 19/8 đã bắt đầu cuộc tập trận Pitch Black lớn nhất từ trước đến nay tại Vùng Lãnh thổ phía Bắc, với sự tham gia của 2.500 quân nhân đến từ hàng chục quốc gia.

Đây là cuộc tập trận đa quốc gia dành cho lực lượng không quân Australia và các nước đối tác theo truyền thống được tổ chức 2 năm một lần. Trong năm 2020, sự kiện này đã bị hủy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chỉ huy cuộc tập trận, Thiếu tướng không quân Australia Tim Alsop, cho biết Pitch Black 2022 sẽ diễn ra trong 3 tuần từ ngày 19/8 đến 8/9, với sự tham gia của 17 quốc gia, bao gồm Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Indonesia, Ấn Độ, Singapore, Philippines, Thái Lan và Malaysia, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

[Đức điều 13 máy bay chiến đấu tham gia tập trận tại Australia]

Trong các quốc gia trên, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này.

Đây cũng là đợt triển khai không quân thời bình lớn nhất từ trước đến nay của Đức, khi nước này điều tới Australia 13 máy bay phản lực với hành trình 10.000km từ Bavaria đến Singapore trong chưa đầy 24 giờ.

Trong khuôn khổ cuộc tập trận năm nay, các phi công sẽ lái khoảng 100 máy bay quân sự hàng đầu thế giới và thực hiện các bài tập mô phỏng phức tạp.

Các máy bay tham gia bao gồm Su-30 của Ấn Độ, F-15 và F-16 từ Singapore, Mitsubishi F-2 từ Nhật Bản, và lần đầu tiên có Eurofighter Typhoons từ Đức và Anh.

Australia cũng sẽ lần đầu tiên sử dụng máy bay phản lực F-35 Lightning II cùng với các máy bay F/A-18F Super Hornet và EA-18G Growlers.

Theo website của RAAF, cuộc tập trận Pitch Black được thiết kế nhằm "thúc đẩy an ninh khu vực thông qua khả năng tương tác và hiểu biết đa quốc gia", đồng thời tăng cường các mối quan hệ quân sự giữa các nước tham gia./.

Nguyễn Minh

(TTXVN/Vietnam+)