Asian Para Games 2023: Vì sao vắng bóng các VĐV khiếm thính?
Nếu các vận động viên khiếm thính có thị lực, tay chân và trí thông minh bình thường tham gia Asian Para Games, điều này sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng của các môn thi đấu.
Đại hội Thể thao Người Khuyết tật châu Á lần thứ 4 (Asian Para Games 2023) sẽ bế mạc vào ngày 28/10 sau một tuần diễn ra các cuộc tranh tài sôi nổi tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Những màn trình diễn thể hiện tính kiên trì, nghị lực và quyết tâm vượt khó của các vận động viên đã làm nổi bật ý nghĩa thiết thực và thông điệp của kỳ đại hội này.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều khán giả thắc mắc rằng dường như không có vận động viên khiếm thính nào tham gia Asian Para Games.
Trên thực tế, các nội dung thi đấu của Asian Para Games 2023 được chia thành 3 hạng mục dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của các vận động viên, gồm khuyết tật thị giác, khuyết tật thể chất và khuyết tật trí tuệ.
Khuyết tật thị giác có các môn thi đấu như bóng đá khiếm thị, bóng ném khiếm thị; khuyết tật thể chất có các môn như bóng chuyền ngồi, đấu kiếm trên xe lăn; khuyết tật trí tuệ có các môn như bóng bàn; các môn thi đấu như điền kinh, bơi lội có cả 3 loại hình khuyết tật cạnh tranh. Tuy nhiên, khiếm thính không được đưa vào các hạng mục thi đấu của Asian Para Games.
[Công nghệ thông minh tạo thuận lợi cho các VĐV người khuyết tật]
Không chỉ Asian Para Games mà cả Paralympic Games cũng thường không có sự tham gia của các vận động viên khiếm thính.
Nếu các vận động viên khiếm thính có thị lực, tay chân và trí thông minh bình thường tham gia Asian Para Games, điều này sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng của các môn thi đấu.
Với sự hỗ trợ của các thiết bị như máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử, một số người khiếm thính có thể tham gia các sự kiện thể thao dành cho người khỏe mạnh. Ngoài ra, trên thế giới cũng có các giải thể thao dành cho người khiếm thính.
Những vận động viên đủ điều kiện tham gia thi đấu là những người bị suy giảm thính lực ít nhất 55 decibel (đơn vị dùng để đo cường độ âm thanh). Họ sẽ không được sử dụng các thiết bị như máy trợ thính để đảm bảo tính công bằng khi thi đấu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có người khiếm thính xuất hiện tại Asian Para Games. Họ vẫn hoạt động ở trong và ngoài sân thi đấu với những vai trò khác nhau.
Mao Đổng Lai (Mao Donglai) - một trong những người rước đuốc trong đêm khai mạc, hay đội cổ vũ khiếm thính tại sân thi đấu bóng rổ là những ví dụ điển hình.
Họ xuất hiện tại các môn thi đấu ở Asian Para Games với mong muốn truyền tải tinh thần hòa nhập của người khuyết tật, thể hiện rằng hàng triệu khán giả khiếm thính chắc chắn sẽ theo dõi cuộc tranh tài sôi động tại Asian Para Games./.