ASEAN ủng hộ Liên hợp quốc ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật

ASEAN cho rằng Liên hợp quốc cần đặt thông tin và truyền thông công chúng vào vị trí trung tâm trong quản lý chiến lược, bảo đảm nguồn cung cấp thông tin rõ ràng, kịp thời, có căn cứ, chính xác.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Ngày 5/11, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Ủy ban Các vấn đề chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa (Ủy ban 4) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 17 để thảo luận đề mục “Các vấn đề thông tin."

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại phiên họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách Thông tin toàn cầu nhấn mạnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức về thông tin và truyền thông, đặc biệt là tình trạng nhiễu loạn thông tin về các cuộc xung đột vũ trang và các vấn đề phát triển, trong đó có Biến đổi Khí hậu và nước biển dâng. Hầu hết đại diện các nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin trước tình trạng tin giả và tin sai sự thật ngày càng phổ biến, nhất là trên không gian mạng.

Phát biểu thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì các nguyên tắc về toàn vẹn thông tin và giải quyết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu.

ASEAN cho rằng Liên hợp quốc cần đặt thông tin và truyền thông công chúng vào vị trí trung tâm trong quản lý chiến lược, đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp thông tin rõ ràng, kịp thời, có căn cứ, chính xác, đáng tin cậy, toàn diện, khách quan và công bằng với tính minh bạch cao nhất.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh trong bối cảnh truyền thông toàn cầu đang có sự thay đổi nhanh chóng, Cục Truyền thông toàn cầu và Ủy ban Thông tin của Liên hợp quốc cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch, ngôn ngữ thù hận và kích động bạo lực, đồng thời tận dụng công nghệ số để thúc đẩy truyền thông phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trước tình trạng gia tăng tội phạm mạng và các cuộc tấn công độc hại vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, đại diện ASEAN nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nâng cao khả năng chống chịu cho hạ tầng công nghệ của Liên hợp quốc và các nước.

Về phần mình, ASEAN khẳng định quyết tâm đoàn kết xây dựng một hệ sinh thái thông tin và truyền thông tiên tiến, an toàn, lấy con người làm trung tâm và mang bản sắc của ASEAN thông qua triển khai các chiến lược và chương trình hành động liên quan, trong đó có Tuyên bố Đà Nẵng về truyền thông (2023).

Tháng 7 vừa qua, Liên hợp quốc đã ban hành “Các nguyên tắc toàn cầu về toàn vẹn thông tin," trong đó xác định 5 yếu tố trọng tâm của hệ sinh thái thông tin lành mạnh gồm niềm tin và khả năng phục hồi của xã hội; động cơ thông tin lành mạnh; trao quyền cho công chúng; phương tiện truyền thông độc lập, tự do và đa thành phần; minh bạch và nghiên cứu./.