ASEAN thúc đẩy nghị trình hòa bình, ổn định và thịnh vượng
Tổng Thư ký ASEAN cho biết Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 43 là diễn đàn để các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như lãnh đạo các nước đối tác đối thoại gặp gỡ, trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm.
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 5-7/9 tại thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột gồm chính trị và an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội, vì một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, trong đó con người nằm ở vị trí trung tâm.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết chuỗi hội nghị lần này sẽ là diễn đàn để các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như lãnh đạo các nước đối tác đối thoại gặp gỡ, trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm, tìm cách giải quyết những khó khăn, thách thức mà khu vực và thế giới đã và đang phải đối mặt.
Về chính trị và an ninh, chuỗi hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (COC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tầm nhìn Hàng hải ASEAN, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và nạn buôn bán người, tình hình thực thi Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar…
Với trụ cột văn hóa-xã hội, hội nghị sẽ xem xét nhiều vấn đề như thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và biến đổi khí hậu, vốn thu hút sự quan tâm của cả khu vực song vẫn còn khoảng cách giữa các quốc gia.
Đặc biệt, chương trình nghị sự kinh tế sẽ bao gồm một “danh sách dài” các vấn đề được thảo luận như thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số, đầu tư và thương mại. Cụ thể, các nhà lãnh đạo sẽ xem xét cách thức tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nội khối và với các đối tác, thông qua việc nâng cấp một số Hiệp định Tự do Thương mại (FTA), triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)..., qua đó đảm bảo sự phát triển thịnh vượng của Đông Nam Á.
Nhìn về tương lai, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cho rằng thách thức đầu tiên mà ASEAN phải đối mặt là làm thế nào để giữ cho nền kinh tế khu vực tiếp tục vận động, duy trì tăng trưởng kinh tế, mặc dù tốc độ tăng trưởng của ASEAN được dự báo vẫn sẽ cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Ông nhấn mạnh: “Trước những bất ổn kinh tế toàn cầu, điều mà chúng ta cần làm là đảm bảo rằng khu vực này vẫn rộng mở cho các hoạt động kinh doanh, đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đảm bảo rằng khu vực này thực sự trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế thế giới theo đúng chủ đề ‘ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng’ của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023."
[ASEAN khởi động đàm phán Hiệp định Khung về Kinh tế Kỹ thuật Số]
Đánh giá chủ đề trên cũng là “thông điệp rất quan trọng” từ chương trình nghị sự kinh tế của hội nghị, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cho biết một thách thức khác cũng nảy sinh trong quá trình xem xét đàm phán về kinh tế kỹ thuật số - lĩnh vực vốn có rất nhiều triển vọng tích cực.
Theo ông, ASEAN kỳ vọng thu được rất nhiều từ kinh tế kỹ thuật số, song bên cạnh đó cũng phải giải quyết các vấn đề như tội phạm mạng, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, dữ liệu lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa lúc trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước.
Tổng Thư ký cho rằng ASEAN cũng cần quan tâm giải quyết vấn đề an ninh lương thực và an ninh năng lượng trong bối cảnh giá cả và nguồn cung của hai mặt hàng này vẫn còn rất cao, chưa ổn định và có thể còn tăng, kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu là lĩnh vực được rất nhiều người quan tâm do Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cùng với đó là các động lực địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Tại chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét cách thức để tổ chức khu vực này có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc gắn kết bạn bè, đối tác, cùng nhau thảo luận về các thách thức nói trên và tìm cách hóa giải chúng.
Trước sự quan tâm và mong muốn của các đối tác về việc ASEAN tiếp tục đóng vai trò tích cực, ASEAN mong muốn đảm bảo rằng mình có thể góp phần thu hẹp khác biệt giữa các cường quốc./.