ASEAN nghiên cứu giải pháp thúc đẩy hiệu quả Trí tuệ Nhân tạo

Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng và Các vấn đề doanh nghiệp, Nararya Soeprapto, nhấn mạnh AI có tiềm năng tăng trưởng GDP từ 10% đến 18% trong khu vực ASEAN.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 4/6 đã diễn ra Đối thoại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 11 tại Jakarta. Đây là cuộc thảo luận nền tảng về quản trị Trí tuệ Nhân tạo (AI) từ góc nhìn của cả khu vực công và tư nhân.

Sự kiện này do Ban thư ký ASEAN tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Microsoft với tư cách là đối tác tri thức. Hơn 650 đại biểu tham dự Đối thoại gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ các công ty khởi nghiệp, tổ chức tài chính, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan chính phủ.

Đối thoại nhằm mục đích đặt nền tảng cho cách tiếp cận trong cộng đồng để phát triển các quy định và tiêu chuẩn AI thống nhất trên toàn khu vực, đảm bảo tính nhất quán và tạo điều kiện cho hợp tác xuyên biên giới.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng và Các vấn đề doanh nghiệp, Nararya Soeprapto, nhấn mạnh AI có tiềm năng tăng trưởng GDP từ 10% đến 18% trong khu vực ASEAN, tương đương trị giá gần 1.000 tỷ USD, vào năm 2030.

Ông cũng nhấn mạnh, sự gia tăng của AI có rủi ro và ASEAN đang nỗ lực giảm thiểu chúng, bao gồm đảm bảo tính bao trùm, bảo vệ dữ liệu và khả năng phục hồi mạng, trong khi vẫn phát huy được tiềm năng của AI cho Nền kinh tế số ASEAN.

Ông Nararya khẳng định ASEAN cam kết tiếp tục phát triển khuôn khổ quản trị AI thân thiện với doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới và giúp các công ty tự tin đầu tư vào AI, đồng thời đảm bảo phát triển có trách nhiệm để mở ra cơ hội AI tại ASEAN.

Tổng giám đốc, Trung tâm Đổi mới Kỹ thuật số và Kinh tế Bền vững ERIA (E-DISC), Daisuke Nakayama nhấn mạnh mức độ sẵn sàng khác nhau của các nước về AI; khẳng định E-DISC cam kết xây dựng niềm tin vào công nghệ AI, thúc đẩy việc sử dụng an toàn, hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trên khắp ASEAN.

Tiến sỹ Jasmine Begum, Giám đốc khu vực về các vấn đề pháp lý và chính phủ của Microsoft tại ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận đa chiều để thúc đẩy AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.

Microsoft cam kết chia sẻ hiểu biết và tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với ngành, chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự để đảm bảo quản trị theo kịp sự phát triển nhanh chóng của AI.

Các đại biểu đã thảo luận về các thông lệ tốt nhất trong quản trị AI và tầm quan trọng của quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy AI có trách nhiệm. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, AI là chìa khóa để mở ra các cơ hội kinh tế xã hội tiềm năng tại ASEAN và các doanh nghiệp đã sẵn sàng hợp tác với chính phủ để triển khai hệ sinh thái AI có đạo đức.

Tại Đối thoại có cuộc thảo luận nhóm gồm các quan chức từ Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) Singapore, MyDigital Malaysia, Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Indonesia, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và các nhóm nghiên cứu như ERIA, Viện Tech for Good và Access Partnership.

Đối thoại cũng có sự tham gia của đại diện các công ty toàn cầu đã đầu tư mạnh vào AI, như Microsoft và Ernst and Young (EY), các công ty khởi nghiệp ASEAN, Savvy.com và liên doanh vốn, Village Capital.

Bên lề Đối thoại có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sức mạnh chuyển đổi của AI trong bối cảnh kinh doanh hiện đại và khả năng tối ưu hóa hoạt động và tạo ra các giải pháp sáng tạo của AI trong nhiều ngành./.