ASEAN hướng tới vùng đất than bùn không khói mù vào năm 2030
Thái Lan cam kết hợp tác với các thành viên ASEAN về các khu vực đất than bùn thông qua trao đổi thông tin nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Thái Lan đã đề xuất mục tiêu đưa các vùng đất than bùn trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành khu vực không có khói mù vào năm 2030.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan mới đây đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 của Lực lượng đặc nhiệm ASEAN về đất than bùn theo Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP).
Sự kiện có sự tham dự của các quan chức đến từ các nước thành viên ASEAN và Timor Leste cũng như đại diện từ nhiều cơ quan khác nhau.
Tại cuộc họp, ông Athapol Charoenshunsa, Cục trưởng Cục Tài nguyên thiên nhiên, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật (DNP) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, cho biết nước này cam kết hợp tác với các thành viên ASEAN về các khu vực đất than bùn thông qua trao đổi thông tin nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và xem xét các báo cáo tiến độ nhằm xây dựng ASEAN thành một khu vực không có khói mù.
Ông Athapol cũng bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực chung trong Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN lần thứ 2, bao gồm việc phát triển các công cụ và cơ chế khác nhau, chẳng hạn như Khuôn khổ giám sát và đánh giá (M&E), Kế hoạch hợp tác ASEAN lần thứ 2 về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và Khung đầu tư ASEAN để quản lý không khói mù bền vững.
Ông cho biết những sáng kiến này sẽ tăng cường quản lý đất than bùn và giúp khắc phục các vấn đề về khói mù xuyên biên giới, giảm khói mù trong mùa khô với minh chứng hiển hiện là sự suy giảm nhanh chóng các điểm nóng ở khu vực phía Nam ASEAN.
Ông Athapol cho biết thêm DNP đã tăng cường các nỗ lực bảo tồn, phòng ngừa và phục hồi đất than bùn, đặc biệt là các biện pháp phòng chống và kiểm soát cháy rừng tổng hợp với sự tham gia của các cơ quan khu vực tư nhân.
Những nỗ lực này cũng bao gồm việc thiết lập các điểm giám sát, tuần tra, liên lạc công cộng, quản lý nước và sử dụng công nghệ vệ tinh và máy bay không người lái để giám sát, theo dõi và lên kế hoạch ứng phó với cháy rừng. DNP cũng đã đặt mục tiêu giảm các khu vực bị cháy./.