ASEAN cam kết xây dựng cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và tự cường
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án bền vững trong khu vực, các tiêu chuẩn trong ASEAN Taxonomy cần được theo dõi và cập nhật thường xuyên.
Ngày 25/8, sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 tại Jakarta đã thông qua Tuyên bố chung trong đó cam kết thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hợp tác tích cực vì mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Trước đó, Đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) do Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị nhằm đối thoại chính sách với các tổ chức quốc tế về tình hình và viễn cảnh kinh tế thế giới và khu vực, cũng như trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô và gìn giữ tính ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong bối cảnh mới.
Tại Hội nghị, các tổ chức quốc tế chia sẻ dự báo về điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 (còn khoảng 2,1-3%) và dự báo xu hướng dần phục hồi vào năm 2024.
Các rủi ro đối với kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu và có khả năng lan truyền do lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn đang neo ở mức cao, khu vực tài chính gặp nhiều biến động, các rủi ro địa chính trị toàn cầu gia tăng cùng với đó là các thách thức về biến đổi khí hậu. Kinh tế của khu vực ASEAN cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của diễn biến kinh tế thế giới.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia ASEAN và Ủy ban phân loại tài chính ASEAN trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy) phiên bản 1 và 2, với vai trò là cơ sở tham chiếu cho các chương trình, dự án và hoạt động bền vững tại khu vực ASEAN.
Theo Phó Thống đốc, để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án bền vững trong khu vực, các tiêu chuẩn trong ASEAN Taxonomy cần được theo dõi và cập nhật thường xuyên để đảm bảo sự phù hợp và tương thích với các hệ thống phân loại khác trên thế giới.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng chiến lược chuyển đổi năng lượng toàn diện, trong đó lưu ý đến các yếu tố đặc thù của từng quốc gia.
Bên cạnh đó, cần tận dụng sự hỗ trợ từ các Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB) và hợp tác thông qua Tuyên bố Thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) để có thể triển khai quá trình chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả nhất.
Đánh giá về kết quả hội nhập ngân hàng ASEAN năm 2023, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính ASEAN ghi nhận nỗ lực của Ủy ban cấp cao về hội nhập ngân hàng ASEAN (SLC) và các Nhóm công tác trong việc tích cực phối hợp và triển khai hiệu quả các sáng kiến hợp tác; đưa ra các chỉ đạo về mặt định hướng nhằm thúc đẩy sớm hoàn thành các mục tiêu AEC 2025.
Hội nghị cũng ủng hộ việc các Nhóm công tác trong khuôn khổ hợp tác tài chính-ngân hàng sớm triển khai và hoàn thiện đánh giá cuối kỳ Tầm nhìn AEC 2025 làm cơ sở để cùng với các lĩnh vực khác hướng tới hình thành Tầm nhìn ASEAN giai đoạn sau 2025.
[Tăng cường thúc đẩy kết nối thanh toán nội khối khu vực ASEAN]
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá cao những kết quả đáng ghi nhận của Nhóm công tác về hệ thống thanh toán ASEAN (WC-PSS) trong việc triển khai nghiên cứu phương thức đo lường việc đạt được các mục tiêu G20 về thanh toán xuyên biên giới; Hoàn thành việc sửa đổi Điều khoản tham chiếu của Nhóm để cập nhật các diễn biến mới trong lĩnh vực thanh toán.
Hội nghị hy vọng rằng WC-PSS sẽ tiếp tục có các đánh giá, phân tích sâu hơn về cách thức sử dụng giao dịch đồng bản tệ nhằm giảm thiểu chi phí thanh toán xuyên biên giới.
Đối với việc tăng cường sử dụng đồng bản tệ, Hội nghị đánh giá cao các nỗ lực của Nhóm công tác về tự do tài khoản vốn (WC-CAL) trong việc kết nối đối thoại chính sách, trao đổi thông tin, thống kê về luân chuyển dòng vốn giữa các quốc gia ASEAN.
Hội nghị cũng hoan nghênh việc thành lập Nhóm đặc trách về giao dịch đồng bản tệ (LCT-TF) và thông qua các nguyên tắc chung về Khuôn khổ Giao dịch Đồng bản tệ Khu vực ASEAN.
Các Thống đốc Ngân hàng Trung ương tin tưởng Nhóm đặc trách LCT sẽ đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các Hiệp định về Giao dịch bằng Đồng bản tệ Song phương giữa các nước ASEAN với nhau.
Về phía SBV, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá cao tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong việc xây dựng và áp dụng khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ nhằm khuyến khích việc sử dụng đồng bản tệ trong khu vực.
Phó Thống đốc hy vọng trong thời gian tới, các Nhóm công tác sẽ tiếp tục nghiên cứu khuôn khổ pháp lý liên quan tới lĩnh vực thanh toán, ngoại hối và chính sách tiền tệ của từng quốc gia để có thể nâng cao tính khả thi của các hướng dẫn trong khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ.
Trước đó, ngay trước thềm Hội nghị AFMGM, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã đại diện SBV ký Biên bản Ghi nhớ Đa phương về Hợp tác Kết nối Thanh toán Khu vực (MoU), nhằm thúc đẩy các giao dịch thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, minh bạch hơn, toàn diện hơn, với chi phí thấp hơn.
Phát biểu tại buổi họp báo cùng với các Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN sau lễ ký MoU, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tin tưởng rằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ là tiền đề đẩy mạnh hợp tác kết nối thanh toán xuyên biên giới trong tương lai giữa các quốc gia trong khu vực.
Biên bản ghi nhớ thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, góp phần thực hiện mục tiêu chung của ASEAN về kết nối hệ thống thanh toán, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế trong khu vực.
Theo kế hoạch, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại thành phố Luang Prabang, Lào, vào tháng 3/2024./.