ASEAN cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương trước biến động toàn cầu
Tuyên bố chung nhấn mạnh sự kiên cường của ASEAN trước những "cơn gió ngược," trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn như thương mại quốc tế thu hẹp và dòng vốn đầu tư suy giảm.
Ngày 10/4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM-12) đã kết thúc tại Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với việc giới chức tài chính và ngân hàng ASEAN ra tuyên bố chung, thể hiện quan điểm thống nhất trước các thách thức kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tuyên bố chung nhấn mạnh sự kiên cường của ASEAN trước những "cơn gió ngược" từ bên ngoài khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn như tăng trưởng chậm lại, thương mại quốc tế thu hẹp và dòng vốn đầu tư suy giảm.
Các nước ASEAN bày tỏ lo ngại trước diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan mới của các nền kinh tế lớn, cảnh báo những bất ổn do việc áp đặt thuế quan và các biện pháp trả đũa có thể gây ra rủi ro lớn đối với dòng vốn và tỷ giá hối đoái của khu vực.
ASEAN cam kết theo dõi sát diễn biến và sẵn sàng hành động khi cần thiết để ứng phó với các biến động kinh tế.
Bên cạnh đó, tổ chức cũng tái khẳng định cam kết với hệ thống thương mại đa phương, toàn diện và dựa trên luật lệ, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác mang tính xây dựng với tất cả các đối tác, trong đó có cả Mỹ, để tìm ra giải pháp cân bằng và bền vững cho sự phát triển kinh tế toàn cầu.
ASEAN cũng nhấn mạnh sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa nhằm đối phó chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong tuyên bố, ASEAN cũng bày tỏ tình đoàn kết với người dân Myanmar và Thái Lan sau trận động đất nghiêm trọng xảy ra ngày 28/3 vừa qua.
Phát biểu bên lề hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Anwar Ibrahim, kêu gọi ASEAN sử dụng nền tảng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để giải quyết các bất đồng thương mại.
Ông cho rằng nếu cần thiết, ASEAN có thể điều chỉnh một số quy định của WTO, và nhấn mạnh rằng các giải pháp nên được đưa ra thông qua tham vấn chung và tinh thần hợp tác nội khối.

Cũng trong ngày 10/4, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã chủ trì phiên họp trực tuyến của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) để thảo luận về tác động của chính sách thuế quan mới do Mỹ công bố ngày 2/4.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Timor-Leste cùng Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn nhất trí rằng thuế đối ứng nằm trong khoảng từ 10% đến 49% sẽ có tác động mạnh đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế và phát triển của ASEAN, đồng thời hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày, coi đây là cơ hội để tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai bên.
Các Bộ trưởng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương minh bạch, công bằng và dựa trên luật lệ, lấy WTO làm trung tâm.
Hội nghị cũng thống nhất thành lập Lực lượng đặc nhiệm “Địa kinh tế ASEAN” nhằm xây dựng phản ứng chính sách chung đối với các nền kinh tế mới nổi và tăng cường khả năng thích ứng chiến lược của khu vực.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra từ ngày 7-10/4 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, hơn 300 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân đã tham dự.
Các cuộc họp cấp cao song song được tổ chức, với Bộ trưởng Tài chính thứ hai của Malaysia Amir Hamzah chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM), và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour chủ trì Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (ACGM).
Hội nghị cũng chứng kiến lễ ra mắt Kế hoạch Hành động Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) giai đoạn 2025-2028, nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng bền vững và tăng cường kết nối trong khu vực.
Đoàn Việt Nam, gồm đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đã tham gia tích cực và đóng góp nhiều sáng kiến về tài chính và ngân hàng, đồng thời tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác ASEAN, tổ chức quốc tế và các hội đồng doanh nghiệp./.