Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận về khu vực tranh chấp ở biên giới
Bộ Ngoại giao Armenia và Azerbaijan tuyên bố ủy ban phân định biên giới hai nước đã ký một nghị định thư về việc "điều chỉnh tọa độ dựa trên các phép đo trắc địa" dựa trên các bản đồ thời Liên Xô.
Ngày 16/5, giới chức Armenia và Azerbaijan cho biết hai nước đã nhất trí một thỏa thuận về các khu vực tranh chấp thuộc biên giới chung. Đây là một bước đi mới hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Bộ Ngoại giao Armenia và Azerbaijan ra tuyên bố nêu rõ ủy ban phân định biên giới của hai nước đã ký một nghị định thư chính thức hóa việc "điều chỉnh tọa độ dựa trên các phép đo trắc địa trên mặt đất" dựa trên các bản đồ thời Liên Xô.
Theo đó, 4 ngôi làng ở khu vực biên giới gồm Baghanis Ayrum, Ashaghi Askipara, Kheyrimli và Ghizilhajili sẽ do Azerbaijan kiểm soát trở lại. Yerevan và Baku hy vọng hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 16/5, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đánh giá thỏa thuận này là một "cột mốc rất quan trọng."
Theo ông, đây là lần đầu tiên kể từ khi độc lập năm 1991, Armenia có đường biên giới được phân định chính thức và điều này góp phần đảm bảo an ninh và ổn định cho đất nước.
Ông cũng cho biết Armenia sẽ xây dựng những tuyến đường mới tại khu vực trên trong vài tháng tới.
Trong vòng 10 ngày, lính biên phòng của hai nước sẽ được triển khai dọc dọc theo đường biên giới được phân định lại.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Armenia đồng ý giao lại cho Azerbaijan 4 ngôi làng nằm ở khu vực biên giới chung giữa hai nước.
Theo ông, những ngôi làng này do Armenia kiểm soát từ đầu những năm 1990, và diễn biến mới là “sự kiện lịch sử được mong chờ từ lâu.”
Azerbaijan từng nêu việc trao trả những ngôi làng trên là tiền đề cần thiết để tiến tới thỏa thuận hòa bình chấm dứt hơn 3 thập kỷ xung đột giữa hai quốc gia này.
Hai nước láng giềng trên đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh.
Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorny-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng sự tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt được các cuộc xung đột nhiều lần tái diễn./.