Argentina đi đầu trong phát triển điện hạt nhân tại Mỹ Latinh

Lò phản ứng CAREM - lò phản ứng cỡ nhỏ đầu tiên được các kỹ sư và các nhà khoa học Argentina thiết kế và xây dựng hoàn toàn trong nước - là minh chứng cho khả năng tự chủ của nước này.

Nhà máy điện hạt nhân Atucha I. (Nguồn: World Nuclear News)

Với hơn 70 năm kinh nghiệm, Argentina là một trong những quốc gia tiên phong ở Nam Mỹ về phát triển điện hạt nhân. Quốc gia này sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp điện và hỗ trợ các ứng dụng công nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, điện hạt nhân chiếm khoảng 8% trong tổng sản lượng điện quốc gia của Argentina, góp phần quan trọng vào cơ cấu năng lượng của nước này.

Trên thực tế, Argentina bắt đầu chương trình phát triển năng lượng hạt nhân từ năm 1950 với việc thành lập Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (CNEA), cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và điều phối các hoạt động hạt nhân.

Ngay từ khi có kế hoạch phát triển nguồn năng lượng này, Argentina đã tập trung vào việc phát triển công nghệ trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Hiện Argentina có 3 nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò phản ứng nước nặng áp lực (PHWR), với tổng công suất 1.758 MW.

Atucha I là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Argentina, được khởi công xây dựng vào năm 1968 tại huyện Zarate, tỉnh Buenos Aires. Nhà máy này sử dụng công nghệ PHWR của Đức, được đưa vào vận hành từ năm 1974 với công suất 357 MW. Đây cũng là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Mỹ Latinh.

Sau thành công của Atucha I, Argentina tiếp tục xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân khác, gồm nhà máy Embalse ở tỉnh Cordoba và nhà máy Atucha II được xây dựng cạnh Atucha I.

Nhà máy Embalse có công suất 656 MW, đi vào hoạt động từ năm 1983 bằng công nghệ PHWR của Canada. Nhà máy này còn được biết đến với tên gọi khác là CANDU. Trong khi đó, nhà máy Atucha II có công suất 745 MW, đi vào hoạt động từ năm 2014.

Argentina đã đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân nội địa, bao gồm thiết kế và chế tạo lò phản ứng. Lò phản ứng CAREM - lò phản ứng cỡ nhỏ đầu tiên được các kỹ sư và các nhà khoa học Argentina thiết kế và xây dựng hoàn toàn trong nước - là minh chứng cho khả năng tự chủ của nước này.

Là quốc gia đi đầu khu vực Mỹ Latinh trong phát triển điện hạt nhân, Argentina có đội ngũ kỹ sư và nhà khoa học chuyên môn cao.

Ngoài ra, nước này cũng đã xây dựng được chuỗi cung ứng hạt nhân hoàn chỉnh, từ khai thác và xử lý uranium, sản xuất nhiên liệu hạt nhân đến quản lý chất thải.

Nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh cũng chú trọng đầu tư vào năng lực tái chế nhiên liệu và xử lý chất thải phóng xạ để giảm thiểu tác động môi trường.
Về hợp tác quốc tế, Argentina hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác như Brazil, Canada, Đức và Trung Quốc.

Argentina còn là thành viên tích cực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tuân thủ các hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tất nhiên, quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của Argentina không tránh khỏi những thách thức như khó khăn tài chính, áp lực từ các tổ chức quốc tế về vấn đề phi quân sự hóa và ý kiến trái chiều từ công chúng.

Tuy nhiên, sự tự chủ công nghệ, việc duy trì cam kết phát triển năng lượng sạch và bền vững, cũng như việc hợp tác quốc tế hiệu quả đã giúp Argentina vượt qua nhiều thách thức để duy trì vị thế trong lĩnh vực này.

Giám đốc CNEA Germán Guido Lavalle nhấn mạnh Argentina đặt mục tiêu tăng cường vai trò của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong tương lai, nước này có kế hoạch xây dựng nhà máy Atucha III sử dụng công nghệ PHWR của Trung Quốc, với công suất dự kiến 1.200 MW. Bên cạnh đó là kế hoạch phát triển các lò phản ứng nhỏ (SMR) như CAREM, với công suất 32 MW, đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu công nghệ.

Kinh nghiệm của Argentina cho thấy việc đầu tư dài hạn vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực và xây dựng năng lực công nghệ nội địa là yếu tố quan trọng để phát triển ngành năng lượng hạt nhân một cách bền vững./.