Apple tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á

Apple đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kéo dài cả thập kỷ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, cả về sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Điện thoại iPhone của Apple được giới thiệu tại Cupertino, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành (CEO) của Apple, ông Tim Cook, đã có chuyến công du Đông Nam Á vào tuần trước, trong đó ghé thăm Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Đây là một phần trong chuyến đi kéo dài nhiều ngày nhằm giảm sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc, trung tâm sản xuất chính của hãng.

Mặc dù Apple không có ý định rời bỏ Trung Quốc, song nhà sản xuất này cũng đang phòng ngừa các rủi ro tiềm ẩn có thể cản trở sản xuất trong tương lai.

Cùng lúc đó, Apple đang dần chuyển hướng sang Ấn Độ, coi đây là thị trường trọng điểm tiếp theo với tiềm năng tăng trưởng lớn khi thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc đã bão hòa.

Chia sẻ với Yahoo Finance, Giám đốc điều hành Gene Munster của Deepwater Asset Management cho biết Apple đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kéo dài cả thập kỷ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á, cả về sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất thiết bị và mở rộng thị trường sẽ cần nhiều thời gian.

Thách thức từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Trung Quốc chiếm phần lớn các đối tác trong chuỗi cung ứng của Apple, chẳng hạn như Foxconn và Pegatron. Việc tập trung năng lực sản xuất tại một khu vực đã gây ra thiệt hại đáng kể trong đại dịch khi Trung Quốc buộc các nhà máy đóng cửa, làm hạn chế khả năng sản xuất và vận chuyển thiết bị của Apple.

Mặc dù sau đó các nhà máy đã hoạt động trở lại, Apple vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Song việc đóng cửa nhà máy ảnh hưởng đến hoạt động của công ty là dấu hiệu đáng lo ngại về sự thiếu linh hoạt của chuỗi cung ứng.

Nhà phân tích Wamsi Mohan của BofA Securities cho biết Apple nói rằng nhà sản xuất này đã bù đắp được khoảng 5 tỷ USD doanh thu bị “bốc hơi." 5 tỷ USD bị biến mất đó chỉ vì một nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa.

Nếu không được giải quyết, sự thiếu linh hoạt của chuỗi cung ứng có thể tiếp tục ảnh hưởng đến Apple, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng và những động thái đáp trả giữa hai nước liên quan đến các công ty công nghệ.

Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định Apple đang tích cực theo đuổi các nước Đông Nam Á về mặt chuỗi cung ứng.

CEO Tim Cook đang phòng ngừa rủi ro khi Trung Quốc vẫn là một thị trường đầy thách thức đối với Apple, trong khi Việt Nam và Indonesia là những điểm đến tiềm năng cho sản xuất iPhone.

Tìm kiếm thị trường mới Ấn Độ

Những khó khăn của Apple ở Trung Quốc không chỉ liên quan đến sản xuất. Nhà sản xuất này cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán điện thoại thông minh iPhone tại đây do tăng trưởng kinh tế chậm lại và các đối thủ cạnh tranh trong khu vực giành được thị phần.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple về doanh thu, chỉ sau châu Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, doanh số bán iPhone tại đây đang chững lại.

Trong quý 1/2024, Apple báo cáo doanh thu tại Trung Quốc đại lục giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2% trong cả năm 2023. Trước đó, Apple báo cáo mức tăng trưởng 9% tại Trung Quốc trong năm 2022.

Trung Quốc hiện cũng đang là một thị trường điện thoại thông minh tương đối bão hòa, khiến việc đạt được mức tăng trưởng đột phá trở nên khó khăn. Đây là lý do tại sao Apple chuyển hướng sang Ấn Độ.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ có tầng lớp trung lưu đang phát triển. Đây có thể là một thị trường béo bở cho Apple.

Nhà máy của Foxconn lắp ráp iPhone tại Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Munster cho hay Trung Quốc mất 5 năm để thực sự trở thành thị trường quan trọng của Apple. Đối với Ấn Độ, nước này có thể cần đến 10 năm, do là nước này có dân số đông nhưng GDP bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/4 so với Trung Quốc. Nhìn chung, người dân Ấn Độ không có mức thu nhập tương đương với người dân Trung Quốc.

Năm 2023, Apple đã mở cửa hàng chính thức đầu tiên tại Ấn Độ, với sự tham dự của ông Tim Cook tại sự kiện khai trương ở Mumbai. Apple cũng đang sản xuất một số điện thoại iPhone mới nhất tại quốc gia này, càng củng cố tầm quan trọng của thị trường này đối với công ty.

Các thị trường mới nổi như Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong sự tăng trưởng của Apple trong những năm tới, khi các thị trường lớn hơn của nhà sản xuất này đang dần bão hòa và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Apple cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Trong các cuộc họp báo cáo tài chính, các giám đốc điều hành thường xuyên đề cập đến các thị trường mới nổi là khu vực tăng trưởng, trong đó ông Tim Cook đặc biệt nhấn mạnh Ấn Độ và các thị trường tăng trưởng khác.

Tuy nhiên, việc Apple đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị phần ngoài Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian. Do đó, trong tương lai gần, Apple sẽ phải tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc và tìm cách tối ưu hóa hoạt động tại đây./.