APEC đánh giá cao những đóng góp thiết thực, xây dựng của Việt Nam
Tất cả thành viên APEC đều đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.
Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại San Francisco (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn của báo chí về những kết quả nổi bật của Tuần lễ Cấp cao, những đóng góp nổi bật của Việt Nam, cũng như kết quả những hoạt động song phương của Chủ tịch nước với Hoa Kỳ nhân chuyến công tác.
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 30 vừa diễn ra từ ngày 14-17/11 tại Hoa Kỳ?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Tuần lễ Cấp cao APEC lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt với ba điểm nhấn sau:
(i) Thứ nhất, đây là dịp để nhìn lại 30 năm kể từ Tuần lễ Cấp cao đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1993, chặng đường APEC vươn lên trở thành một cơ chế hàng đầu khu vực về liên kết và hợp tác quốc tế;
(ii) Thứ hai, đây là thời điểm thế giới và khu vực có nhiều biến động, đối mặt với nhiều thách thức mới cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường; các thành viên có những điều chỉnh chính sách quan trọng hướng tới tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, nâng cao tính tự cường;
(iii) Thứ ba, trước những biến động sâu sắc của thế giới, đây cũng là lúc APEC cần khẳng định vai trò và sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới, xác định rõ giá trị và ưu tiên cốt lõi của mình.
Trong bối cảnh đó, Tuần lễ Cấp cao lần này đã đạt được kết quả quan trọng trên ba phương diện:
Một là, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tái khẳng định thúc đẩy thương mại-đầu tư tự do và mở là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của diễn đàn.
Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; duy trì thị trường mở, giải quyết các đứt gãy và xây dựng chuỗi cung ứng mở tự cường.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng cần có cách tiếp cận mới toàn diện, cân bằng và hài hoà hơn.
Hai là, hội nghị là một bước tiến quan trọng, được xây dựng trên cơ sở kết quả hợp tác những năm qua, nhất là từ năm APEC 2017 tại Việt Nam, trong việc khẳng định tăng trưởng bền vững, bao trùm đã trở thành một trụ cột hợp tác của APEC.
Hội nghị khẳng định vai trò đi đầu của APEC trong thúc đẩy chương trình nghị sự bao trùm, bền vững trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo đã dành riêng một phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực và từng nền kinh tế; cũng như thông qua các Nguyên tắc định hướng chuyển đổi năng lượng công bằng.
Hội nghị nhất trí định hướng chung hỗ trợ các nền kinh tế trong chuyển đổi số, bảo đảm an ninh lương thực, tích hợp bao trùm và bền vững vào các chính sách thương mại, đầu tư.
Thứ ba, nhân dịp hội nghị, đã diễn ra chuỗi các hoạt động với sự tham dự của hàng nghìn doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chủ đề “Kiến tạo các cơ hội kinh tế. Bao trùm. Tự cường. Sáng tạo.”
Các hoạt động này giúp củng cố sự ủng hộ và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu và tầm nhìn của APEC vì cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, hoà bình và tự cường.
Cuối cùng, hội nghị là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi để cùng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề song phương cũng như đa phương.
Nhân Tuần lễ Cấp cao APEC, đã diễn ra Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
Hoạt động này đánh dấu bước tiến quan trọng của sáng kiến sau một năm rưỡi thảo luận và đàm phán giữa 14 quốc gia, thành viên APEC.
Các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố khẳng định mục tiêu xây dựng IPEF trở thành diễn đàn mở, bao trùm, linh hoạt, dài hạn và năng động nhằm thúc đẩy các lợi ích chung, góp phần bảo đảm tương lai hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân.
- Xin Bộ trưởng cho biết đóng góp của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao năm nay?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Tuần lễ Cấp cao năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập APEC.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao đã tham dự các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và có những đóng góp quan trọng, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Trước hết, đóng góp nổi bật của Việt Nam là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn.
Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công.
Đó là duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu.
Đó là hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức.
Đó là tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Những ý tưởng, quan điểm này được các nhà Lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC.
Thứ hai, tại Hội nghị lần này, các thành viên nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam đăng cai năm APEC 2027.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đề xuất này đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng.
Điều này cũng thể hiện quyết tâm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.
Thứ ba, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia tích cực, phối hợp cùng chủ nhà Hoa Kỳ và các thành viên trong quá trình chuẩn bị và thảo luận tại Hội nghị, đem lại kết quả tốt nhất cho tất cả các thành viên.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các khách mời.
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nền kinh tế, các khách mời đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kết nối giữa các địa phương của Việt Nam và các nước, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
- Xin Bộ trưởng cho biết kết quả những hoạt động song phương của Chủ tịch nước với Hoa Kỳ nhân chuyến công tác?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp, trao đổi với Tổng thống Joe Biden, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry; Thống đốc bang California, Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ: Boeing, Apple; phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), dự và phát biểu chỉ đạo tại Bàn tròn về kết nối địa phương Việt Nam và doanh nghiệp Hoa Kỳ về công nghệ cao; thăm Bệnh viện Y, Đại học Stanford.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước thăm một gia đình Việt Kiều; gặp gỡ lãnh đạo và cán bộ các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước về tình hình thế giới, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại CFR được các giới tại Hoa Kỳ đánh giá rất cao.
Có thể thấy, qua các cuộc gặp, hai bên nhất trí nỗ lực tiếp tục triển khai kết quả thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Tổng thống Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện; tập trung vào kinh tế-thương mại-đầu tư, trong đó Hoa Kỳ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; coi khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá, tiếp tục hợp tác giáo dục-đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ quan tâm cao tới thị trường Việt Nam; khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao... phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Có thể nói, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ đã thành công tốt đẹp, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Qua các phát biểu, các hoạt động của Chủ tịch nước, chúng ta đã truyền tải được những thông điệp quan trọng về quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam đối với những thách thức đang đặt ra với thế giới và khu vực, chủ trương, chính sách cụ thể trong triển khai đường lối đối ngoại, trong đó có Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Với việc lần thứ ba đăng cai APEC (năm 2027), chúng ta một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược về khu vực châu Á- Thái Bình Dương và là minh chứng sống động về sự tin cậy của các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.