Áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt căng thẳng vào nửa cuối năm?
Mặc dù tỷ giá vẫn đang biến động theo chiều hướng tăng nhưng các chuyên gia này cho rằng tỷ giá sẽ bớt nóng vào nửa cuối năm nay, khi Fed giảm lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá được các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi "nóng" trở lại. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực phát hành tín phiếu hút ròng 10 phiên liên tiếp nhưng tỷ giá trên thị trường vẫn neo cao do đồng bạc xanh tăng giá trên thế giới.
Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp, làm đội chi phí, gia tăng gánh nặng trả nợ.
Tỷ giá tăng, doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh
Tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2024 và đang giao dịch ở mức cao lịch sử. Theo ghi nhận từ đầu tháng Ba đến nay, giá USD bán ra tại Vietcombank và các ngân hàng khác từ 24.900- 24.960 đồng. Đây là mức giá giao dịch USD cao nhất lịch sử và tăng khoảng 2% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, tại thị trường tự do USD đã có lúc tăng tới gần 4%.
Trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), ở mức 104,43 điểm, tăng 0,98% so với giao dịch trước.
Đáng chú ý, giá USD vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, liên tục trong vòng 10 ngày gần đây, cơ quan này đã phát hành tín phiếu và hút về tổng cộng 144.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, động thái hút tiền dư thừa của nhà điều hành vẫn không làm cho lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng lên mà lại có xu hướng ngày càng giảm. Chẳng hạn, ngày 22/3, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giảm về sát mức "đáy" và dao động từ 0,2%-5,2%/năm tùy theo kỳ hạn.
Như vậy, lãi suất đã giảm từ 0,01%-0,66%/năm trong tuần qua. Trong khi đó, lãi suất USD khá ổn định ở mức cao, từ 5,2%-5,7%/năm ở các kỳ hạn. Điều này tạo cho khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD gia tăng từ 0,5%-5%/năm. Thông thường, chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD càng tăng cao sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Tỷ giá tăng nóng, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp thuần nhập khẩu, các doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho hay cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức 4% như hiện nay - nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do - Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí trong năm nay.
Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh.
Trên thực tế về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu lại cho rằng cũng không được hưởng lời nhiều vì đa phần doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đều phải nhập khẩu.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết giá nhập khẩu điều thô tăng khiến giá điều thành phẩm của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Mặc dù với doanh nghiệp xuất khẩu, chênh lệch tỷ giá được bù đắp khi có ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, song tỷ giá tăng nhanh khiến phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm...
Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ (có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ cuối năm 2024).
Khi nào giảm bớt áp lực?
Các chuyên gia cho rằng một số yếu tố trong và ngoài nước gây áp lực lên tỷ giá bao gồm Mỹ ghi nhận số liệu kinh tế khả quan nên đẩy lùi kịch bản Fed hạ lãi suất vào các cuộc họp kế tiếp. Ngoài ra, áp lực tỷ giá đến từ dòng tiền đầu cơ trong nước vào các tài sản thay thế như vàng trong bối cảnh giá loại tài sản này đạt mức cao kỷ lục gần đây.
Bên cạnh đó, giá USD tăng trong thời gian gần đây đến từ kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18,0% (tương ứng tăng 8,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cũng cho biết nếu tỷ giá tăng, doanh nghiệp được lợi chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi doanh nghiệp trong nước thiệt nhiều hơn lợi. Chưa kể, tỷ giá tăng còn gây ra rủi ro nhập khẩu lạm phát.
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích cao cấp Khối xếp hạng và nghiên cứu, Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết trong vài tuần vừa qua, VND đã mất giá khá mạnh trên cả thị trường tự do và hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo ông Duy, yếu tố tác động lớn nhất tới tỷ giá của Việt Nam trong thời gian qua là chênh lệch lãi suất VND trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lãi suất huy động, so với các thị trường phát triển, nhất là thị trường Mỹ. Tình trạng chênh lệch lãi suất này sẽ không sớm được cải thiện mà phải quan sát thêm các động thái của Fed.
“Tuy nhiên, Fed đưa ra dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Điều này cho thấy không sớm thì muộn mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD sẽ giảm bớt vào giai đoạn cuối 2024,” ông Duy cho biết.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số nguyên nhân đẩy tỷ giá trong nước nóng lên gần đây. Thứ nhất, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.
Thứ hai, theo ông Lực, đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Thứ ba, có hiện tượng đầu cơ ngoại tệ khi tỷ giá có biến động.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng tỷ giá sẽ bớt nóng vào nửa cuối năm nay, khi Fed giảm lãi suất. Biên độ biến động tỷ giá năm nay dự báo sẽ không lớn.
Với diễn biến tỷ giá, tín dụng như hiện nay, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước không cần và không nên giảm tiếp lãi suất điều hành. Nếu giảm tiếp, mức độ chênh lệch lãi suất USD/VND giãn ra, lại càng gây áp lực tỷ giá.
Chuyên gia cũng cho rằng áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm, khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn đồng thời Fed có thể cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng cũng có thể tác động tích cực hơn tới tỷ giá.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có động thái mới nhằm rộng đường can thiệp thị trường ngoại tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất. Theo đó, cơ quan này vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 31/3/2021 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối; trong đó Ngân hàng Nhà nước muốn thay đổi cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa VND với USD trong giao dịch kỳ hạn.
Lý giải cho sự thay đổi này, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua và dự kiến thời gian tới, trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng và khó lường của thị trường quốc tế, đặc biệt là lãi suất mục tiêu USD do Fed công bố, điều kiện thị trường, mặt bằng tỷ giá, chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế sẽ có những thay đổi nhanh chóng, khó lường.
Đề xuất thay đổi của Ngân hàng Nhà nước được giới chuyên môn đánh giá là nhằm tạo cơ sở để cơ quan này có thể linh hoạt, chủ động hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại tệ thông qua hoạt động mua, bán kỳ hạn USD với các ngân hàng đồng thời thông qua giao dịch kỳ hạn ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tác động đến chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng./.