Anh và Liên minh châu Âu chính thức ký thực thi Khuôn khổ Windsor
Trong tuyên bố chung sau lễ ký kết, Ngoại trưởng Anh và Phó Chủ tịch EC Sefcovic cho biết hai bên tiến hành đối thoại trong “bầu không khí mang tính xây dựng.”
Theo phóng viên TTXVN tại London, Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic ngày 24/3 đã chính thức ký thực thi Khung Thỏa thuận Windsor, nhằm giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa Anh và EU kể từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay và khắc phục những bất cập trong Nghị định thư Bắc Ireland.
Trong tuyên bố chung sau lễ ký kết, Ngoại trưởng Cleverly và Phó Chủ tịch EC Sefcovic cho biết hai bên tiến hành đối thoại trong “bầu không khí mang tính xây dựng.”
[Thỏa thuận Khuôn khổ Windsor: Kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh-EU]
Tuyên bố có đoạn: “Ủy ban hỗn hợp hoan nghênh cách tiếp cận tích cực của cả hai bên và thông qua các thỏa thuận mới được đưa ra trong Khuôn khổ Windsor... Những thỏa thuận này sẽ giải quyết một cách dứt khoát những thách thức trong hoạt động của Nghị định thư về Ireland/Bắc Ireland trong 2 năm qua và các vấn đề hàng ngày mà người dân và doanh nghiệp ở Bắc Ireland phải đối mặt, đồng thời hỗ trợ và bảo vệ ‘Hiệp định ngày thứ Sáu Tốt lành’ trong tất cả các thành phần của nó, cũng như duy trì tính toàn vẹn của thị trường đơn lẻ của Liên minh Châu Âu và vị trí của Bắc Ireland trong thị trường nội bộ của Vương quốc Anh.”
Tuyên bố nêu rõ: “Cả hai bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ và trung thực để thực hiện tất cả các yếu tố của Khung Thỏa thuận Windsor. Vương quốc Anh và EU cũng tái khẳng định ý định sử dụng tất cả các cơ chế có sẵn trong khung thỏa thuận để giải quyết và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề liên quan có thể phát sinh trong tương lai.”
Trước đó, hôm 27/2, tại Lâu đài Windsor, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đạt được nhất trí về Khuôn khổ Windsor, sau 2 năm đàm phán các thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU.
Ngày 22/3, Hạ viện Anh đã chính thức thông qua Khuôn khổ Windsor với sự ủng hộ áp đảo của các nghị sỹ dành cho thỏa thuận đã đạt được với EU, mặc dù trước đó đã xuất hiện lo ngại về nguy cơ thỏa thuận này sẽ khó được thông qua khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - chính đảng lớn nhất tại Bắc Ireland ủng hộ khu vực nằm trong Vương quốc Anh - cùng với một nhóm nghị sỹ của đảng Bảo thủ cầm quyền tuyên bố phản đối.
Hai cựu Thủ tướng Anh gồm ông Boris Johnson và bà Liz Truss, cùng cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, và các cựu bộ trưởng nội các Jacob Rees-Mogg, Priti Patel và Simon Clarke nằm trong trong số 22 nghị sỹ Bảo thủ từ chối ủng hộ thỏa thuận sửa đổi, song đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn việc thông qua các thỏa thuận mới./.