Anh nỗ lực trở lại với tư cách là trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu
Công bố kết quả cuộc khảo sát với hơn 200 CEO các hãng sản xuất, Make UK cho biết đa số tin rằng Anh đang trở thành một nơi cạnh tranh hơn để định vị sản xuất công nghiệp so với 12 tháng trước.
Các hãng sản xuất lớn nhất của Anh tin rằng Anh đang tăng cường khả năng cạnh tranh với tư cách là một trung tâm sản xuất toàn cầu, bất chấp chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu công nhân và bất ổn chính trị đang cản trở tiến độ.
Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn trước cuộc tổng tuyển cử nhiều khả năng được tổ chức vào cuối năm nay, Cơ quan thương mại sản xuất Make UK và công ty kế toán PricewaterhouseCoopers cho biết, các lãnh đạo tập đoàn trong ngành sản xuất ngày càng tự tin hơn về triển vọng của ngành.
Trong phần công bố kết quả cuộc khảo sát với hơn 200 giám đốc điều hành các hãng sản xuất cấp cao, Make UK cho biết đa số tin rằng Anh đang trở thành một nơi cạnh tranh hơn để định vị sản xuất công nghiệp so với 12 tháng trước.
Gần 30% trong số này cho biết, Anh đang tăng khả năng cạnh tranh với Đức và Pháp, trong khi hơn một phần tư tin rằng Anh đang vượt lên trên Tây Ban Nha và Italy. Tuy nhiên, phần lớn các công ty cho biết, Anh đang mất dần vị thế trước Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Kết quả này được đưa ra sau một thời kỳ bất ổn gia tăng do đại dịch COVID-19, Brexit và cú sốc từ giá năng lượng tăng vọt sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Các lãnh đạo của các tập đoàn hy vọng rằng, năm 2024 sẽ ổn định hơn trong bối cảnh lạm phát tại Anh giảm bớt cùng với triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh.
Ông Stephen Phipson, Giám đốc điều hành của Make UK, cho biết: “Chúng tôi hiện đang thấy một số hy vọng rằng, các điều kiện có thể được cải thiện, trong bối cảnh môi trường chính sách ổn định và hỗ trợ hơn, nhưng điều này phải được củng cố trong chiến lược công nghiệp dài hạn.”
Trong khi sản lượng sản xuất ở Anh đã giảm trong 17 tháng liên tiếp do tác động từ chi phí vay cao hơn và nhu cầu tiêu dùng yếu hơn, hoạt động lại giảm sâu hơn ở một số nước EU, bao gồm cả Đức, nơi nền kinh tế đang suy thoái.
Các công ty Anh đã hoan nghênh các biện pháp trong Tuyên bố Mùa thu của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt vào tháng 11/2023, nhằm cung cấp các khoản hỗ trợ đầu tư lâu dài, đồng thời cho rằng việc giảm thuế có thể khuyến khích đầu tư vào Anh.
Tuy nhiên, các lãnh đạo của những tập đoàn cũng có ý kiến "phàn nàn" đối với Chính phủ Anh vì thiếu chiến lược công nghiệp sau nhiều năm thay đổi chính sách, bao gồm cả việc Thủ tướng Rishi Sunak đã hủy bỏ một số cam kết liên quan đến phát thải ròng bằng 0 của Anh vào năm 2023.
Các doanh nghiệp cũng cảnh báo rằng, Brexit đang làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Anh, với cuộc khảo sát trên 700 nhà xuất khẩu của Anh do Phòng Thương mại Anh thực hiện vào tháng trước cho thấy gần 2/3 doanh nghiệp bán hàng sang EU - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này - đã trở nên khó khăn hơn trong năm qua.
Những phát hiện của Make UK được đưa ra sau một nghiên cứu riêng biệt của công ty kế toán Deloitte cho thấy, sự lạc quan đang gia tăng trong số các giám đốc tài chính (CFO) của các công ty lớn nhất Anh.
Theo khảo sát CFO hàng quý mới nhất do Ngân hàng trung ương Anh giám sát để tìm ra những dấu hiệu cảnh báo sớm từ nền kinh tế, 11% các nhà lãnh đạo tài chính lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với ba tháng trước đó - cao hơn đáng kể so với mức trung bình.
Ông Ian Stewart, nhà kinh tế trưởng của Deloitte, cho biết: “Những phát hiện này có vẻ trái ngược với những tin tức kinh tế gần đây, đặc biệt là sự sụt giảm trong GDP quý 3/2024 và dự báo tăng trưởng chậm chạp của Anh vào năm 2024.”
Tuy nhiên, ông Stewart nhận định trong khi tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023, hoạt động tỏ ra linh hoạt hơn dự kiến, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao và thị trường tài chính không có căng thẳng. Điều quan trọng là lạm phát đã giảm mạnh kể từ mùa hè, củng cố kỳ vọng về việc giảm lãi suất trước đó./.