An Giang: Mukhalinga Ba Thê được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Mukhalinga Ba Thê là một tác phẩm nghệ thuật có tạo hình điêu khắc hoàn thiện và độc đáo, phản ánh quá trình giao lưu văn hóa và những thành tựu văn hóa-lịch sử của cư dân Nam Bộ.
Tối 7/8, tại Công trường Trưng Nữ Vương, thành phố Long Xuyên, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mukhalinga Ba Thê - một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của nền văn hóa Óc Eo là Bảo vật Quốc gia.
Đây là sự kiện mở đầu cho Tuần lễ Văn hóa-Du lịch tỉnh An Giang năm 2023, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2023).
Mukhalinga Ba Thê có niên đại khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, được phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Mukhalinga Ba Thê có chất liệu từ đá sa thạch mịn; cao 91cm, rộng 20-22cm; phần đầu hình trụ tròn cao 30cm, chu vi 66cm; phần giữa hình bát giác cao 30,5cm, mỗi mặt rộng trung bình từ 8,7cm-9,6cm; phần đế hình trụ vuông cao 30,5cm, mỗi mặt rộng từ 20,08-22cm; trọng lượng 90kg.
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết Mukhalinga Ba Thê là bảo vật thứ 8 trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đặc biệt, tất cả các Bảo vật Quốc gia trên đều là các hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo.
[Bảo vật Quốc gia-Lưu giữ lịch sử, văn hóa và ký ức cho ngàn đời]
Bảo tàng tỉnh An Giang hiện đang lưu giữ 6 Bảo vật Quốc gia gồm: Tượng Brahma Giồng Xoài; Bộ Linga-Yoni Đá Nổi; Tượng Phật đá Khánh Bình; Tượng Phật gỗ Giồng Xoài; Bộ Linga-Yoni Linh Sơn; Mukhalinga Ba Thê.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo lưu giữ hai Bảo vật Quốc gia là: Nhẫn Nandin Giồng Cát và Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, văn hóa Óc Eo là nền văn hóa thuộc Vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á. Những hiện vật phát hiện được của nền văn hóa Óc Eo chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm sáng tỏ quá trình mở mang khai phá vùng đất Nam bộ của người Việt.
Trong số các hiện vật đặc biệt đó, Mukhalinga Ba Thê là một tác phẩm nghệ thuật có tạo hình điêu khắc hoàn thiện và độc đáo, là tư liệu lịch sử quý hiếm không chỉ phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn phản ánh những thành tựu văn hóa-lịch sử của cư dân Nam Bộ trong quá trình khai phá, phát triển vùng đất phương Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp khẳng định Mukhalinga Ba Thê được công nhận là Bảo vật Quốc gia thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với lịch sử vùng đất An Giang. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân An Giang mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các Bảo vật Quốc gia, thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, các Bảo vật Quốc gia nói riêng; xây dựng phương án bảo vệ, bảo quản, phát huy các Bảo vật Quốc gia, gắn với việc phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu Bảo vật Quốc gia gắn với hoạt động du lịch; tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, trong đó có Bảo vật Quốc gia.
Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị Bảo vật Quốc gia được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh, để nhân dân, du khách hiểu rõ hơn về ý nghĩa, giá trị lịch sử-văn hóa của các Bảo vật Quốc gia…
Ngay sau lễ công bố Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận Mukhalinga Ba Thê là Bảo vật Quốc gia, Bảo tàng tỉnh An Giang tổ chức triển lãm, trưng bày các Bảo vật Quốc gia của tỉnh - sự kiện mở đầu Tuần Văn hóa-Du lịch An Giang năm 2023 (diễn ra từ ngày 7-10/8/2023) với nhiều hoạt động như: trưng bày, triển khai giới thiệu các Bảo vật Quốc gia và đố vui tìm hiểu các Bảo vật Quốc gia; trưng bày, triển lãm sách và tổ chức hoạt động trải nghiệm; hội thi Thiếu nhi kể chuyện theo sách lần thứ XX-2023; chương trình biểu diễn nghệ thuật; hội thi đầu bếp giỏi; biểu diễn pha chế thức uống chuyên nghiệp; không gian giới thiệu hình ảnh du lịch An Giang…
Các hoạt động này nhằm tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến nhân dân trong và ngoài tỉnh về những giá trị vô giá của các Bảo vật Quốc gia, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào về quê hương, cùng chung tay xây dựng, phát triển bản sắc văn hóa tỉnh An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ những năm đầu Công nguyên. Nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện và định danh nền văn hóa Óc Eo vào năm 1944.
Đến nay, tỉnh An Giang có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó di tích Óc Eo-Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng, nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của Vương quốc Phù Nam xưa.
Chính vì những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, di tích Óc Eo-Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2012.
Đặc biệt, di tích này được các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO.
Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt Hồ sơ Di tích Khảo cổ Óc Eo-Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản Thế giới.
Trải qua gần 80 năm kể từ ngày nền văn hóa Óc Eo được phát hiện và định danh, với sự nỗ lực của Chính phủ, tỉnh An Giang, huyện Thoại Sơn, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn khoa học Trung ương và các địa phương, kết quả khai quật khảo cổ di tích Óc Eo-Ba Thê của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị.
Đến nay, đã có 8 hiện vật của văn hóa Óc Eo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia./.