An Giang: Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong quan hệ đồng giới

Dịch HIV trên địa bàn tỉnh An Giang xu hướng tăng trở lại và tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên lấy máu xét nghiệm HIV cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tại tỉnh An Giang ngày 30/5, bác sĩ Dương Anh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang cho hay dịch HIV trên địa bàn tỉnh An Giang có xu hướng tăng trở lại và tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ. CDC tỉnh An Giang cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM.

Đứng thứ 5 toàn quốc về số ca mắc mới

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 560 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 158 trường hợp tử vong. An Giang đứng thứ 5 toàn quốc về số trường hợp mới phát hiện HIV, đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.

Tính đến ngày 28/5/2024, số người nhiễm HIV đang còn sống trên địa bàn tỉnh An Giang là 7.507 trường hợp, tổng số người nhiễm HIV tử vong là 6.082 trường hợp.

Theo Phó Giám đốc CDC tỉnh An Giang, trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, ghi nhận có hơn 80% là nam giới và 78% là lây nhiễm qua đường tình dục. Thành phố Long Xuyên hiện là địa bàn có số ca phát hiện mới cao nhất, chiếm gần 19%.

Theo dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000-2023, dịch HIV tại An Giang có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ. Đáng lưu ý khi nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do các yếu tố liên quan như: Sự di biến động, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả.

Bác sĩ Dương Anh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sĩ Linh cho hay: "Nếu như năm 2018, An Giang phát hiện 25 ca trong nhóm MSM mắc mới HIV thì đến năm 2023, con số này tăng lên 205 ca. Trong quý I năm 2024, tổng số người được xét nghiệm HIV là 14.094 lượt người, trong đó HIV dương tính 91 người và nhóm MSM chiếm 24%”.

Ông Huỳnh Minh Trí - Khoa phòng chống HIV/AIDS-Lao-Da liễu (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang) cho biết tính đến ngày 31/3/2024, An Giang có 11 cơ sở y tế điều trị bằng kháng virus HIV (ARV) từ nguồn bảo hiểm y tế. Số người nhiễm HIV đang quản lý điều trị ARV là 5.806; trong đó 88 trẻ em nhiễm HIV, 5.744 người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả (chiếm tỷ lệ 98,9).

Hiện nay, An Giang hiện đã triển khai điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại 12 cơ sở y tế nhà nước và 2 tư nhân ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến cuối quý I năm 2024, lũy tích khách hàng điều trị PrEP là 1.487 lượt khách hàng tại các phòng khám cố định. Số khách hàng duy trì PrEP trên 3 tháng đạt 83,9%; hơn 70% số khách hàng MSM đang sử dụng PrEP.

Tại An Giang có 6 cơ sở được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV đặt tại: Trung tâm Y tế huyện Châu Phú, An Phú, Châu Đốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang, Bệnh viện Đa khoa An Giang và Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc. Các phòng xét nghiệm khẳng định bảo đảm việc kết nối chuyển gửi các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính đến dịch vụ điều trị ARV; chuyển gửi các trường hợp nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính tới dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV phù hợp.

Cần ngăn chặn nguy cơ bùng phát trở lại

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang nhận định tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại vì địa bàn rộng, có đường biên giới nên việc kiểm soát, giám sát vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác dự phòng được coi là chìa khóa để ngăn chặn dịch HIV lây lan mạnh, đặc biệt trong nhóm MSM. Tuy nhiên, công tác can thiệp dự phòng tại tỉnh An Giang còn rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tại tỉnh An Giang đang xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV do hoạt động đấu thầu mua sắm chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xét nghiệm tìm ca nhiễm mới, dự phòng PrEP và ảnh hưởng đến công tác điều trị HIV, xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân bỏ điều trị ARV.

Thêm vào đó, một trong những thách thức với tỉnh đó là hiện An Giang chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp xã hội, đồng đẳng viên (CBO) vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khi nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị hạn chế.

Nhân viên y tế tư vấn về công tác phòng chống HIV/AIDS cho các bạn trẻ tại thành phố Long Xuyên, An Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xác định còn rất nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch, bác sĩ Dương Anh Linh bày tỏ, điều quan trọng nhất trong thời gian tới là CDC tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. CDC tỉnh cũng đang nỗ lực tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cộng đồng MSM, tiếp cận viên, đồng đẳng viên; mở rộng mạng lưới các nhóm CBO.

"Chúng tôi cũng đang đề xuất can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các khu công nghiệp cho những người công nhân, lao động nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm này…", bác sĩ Linh cho hay.

Theo bác sĩ Linh, để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế tỉnh An Giang tập trung các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV, hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, hoạt động tư vấn xét nghiệm và chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV. Dự kiến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ đề xuất can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các khu công nghiệp cho những người công nhân, lao động nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm này./.