Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu loại gạo tẻ đồ
Gạo đồ là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc, sản phẩm này đóng góp 1/3 tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Ấn Độ không có kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tẻ đồ.
Đây là thông tin mới được ông Sanjeev Chopra, Thư ký phụ trách vấn đề lương thực thuộc Bộ Các vấn đề Tiêu dùng, Lương thực và Phân phối Công của Ấn Độ, đưa ra ngày 22/8.
Cụ thể, tại sự kiện diễn ra cùng ngày ở thành phố Mumbai, khi được hỏi về việc liệu Ấn Độ có đang cân nhắc áp thuế xuất khẩu hoặc áp giá sàn cho gạo đồ xuất khẩu hay không, ông Chopra cho biết hiện không có đề xuất nào về việc hạn chế xuất khẩu loại gạo này.
Gạo đồ là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc. Sản phẩm này đóng góp 1/3 tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
[Giá gạo tăng vọt, an ninh lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng]
Lượng mưa tại nhiều bang trồng lúa chủ chốt của Ấn Độ, như Tây Bengal, Uttar Pradesh, Jharkhand, Bihar, Chhattisgarh và Andhra Pradesh hiện ít hơn 15% so với mọi năm. Việc này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung gạo.
Tháng trước, Ấn Độ đã áp lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường vốn là loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Năm ngoái, New Delhi cũng đã cấm xuất khẩu gạo tấm.
Giá gạo tại châu Á đã lên cao nhất 15 năm sau khi Ấn Độ tháng trước thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường và Thái Lan đối mặt với rủi ro sản lượng giảm.
Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách hạ nhiệt giá lương thực trong nước trước các cuộc bầu cử vào đầu năm tới./.