Algeria lọt vào top 3 nước xuất khẩu LNG sang châu Âu nhiều nhất
Algeria đã vượt qua Qatar khi nguồn cung LNG của nước này sang châu Âu đạt 6,08 triệu tấn trong nửa đầu năm 2024, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 22/7, báo chí Algeria đưa tin nước này đã lọp vào top 3 quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu nhiều nhất.
Các chỉ số mới từ Cơ quan nghiên cứu năng lượng Unit Energy Research (Anh) cho thấy Algeria đã vượt qua Qatar khi nguồn cung LNG của nước này sang châu Âu đạt 6,08 triệu tấn trong nửa đầu năm 2024, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ở vị trí thứ 4, xuất khẩu khí đốt của Qatar sang châu Âu giảm mạnh tới 44% và chỉ đạt 5,58 triệu tấn trong nửa đầu năm 2024.
Theo dữ liệu của nhiều tổ chức năng lượng khác nhau, bao gồm cả dữ liệu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Arab (OAPEC), nhìn chung thị trường khí đốt thế giới đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó thị trường châu Âu vẫn là điểm đến chính của nguồn cung cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng dành cho xuất khẩu của Algeria với tổng khối lượng trên toàn cầu là 6,25 triệu tấn.
Cũng theo dữ liệu này, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp là 2 quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhất của Algeria, với mức lần lượt 2,17 và 1,56 triệu tấn trong nửa đầu năm nay. Tiếp theo là Italy và Tây Ban Nha. Trong khi xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu giảm, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) lại tăng rõ rệt.
Xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu tăng 8,5% trong quý 2/2024 đạt 4,61 triệu tấn so với 4,24 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2023.
Liên quan xuất khẩu năng lượng, cuối tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohammed Arkab đã công bố dự án xây dựng tuyến cáp ngầm nối Algeria với châu Âu trong chuyến thăm cơ sở của Công ty điện và khí đốt nhà nước Algeria Sonelgaz.
Hôm 21/7, ông Arkab cho biết công ty dầu mỏ quốc doanh Algeria Sonatrach và Sonelgaz đang chuẩn bị ký hợp đồng xây dựng tuyến cáp này. Tuyến cáp trên sẽ cho phép Algeria xuất khẩu điện từ các nhà máy điện khí và điện sạch từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy năng lượng mặt trời.
Theo ông Arkab, các công việc chuẩn bị cho việc ký hợp đồng trên đang được tiến hành, sau đó việc xây dựng tuyến cáp này sẽ bắt đầu, tuy nhiên Bộ trưởng Năng lượng Algeria không nói liệu nguồn tài trợ cho dự án này có được đảm bảo từ Ủy ban châu Âu (EC) hay các nguồn khác hay không.
Hồi năm 2022, các cuộc thảo luận về đường ống dẫn dầu giữa Algeria và Italy đã được bắt đầu, khi Italy và các nước châu Âu khác tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn cung năng lượng của Nga sau khi.
Vào thời điểm đó, Bộ Năng lượng Algeria lưu ý rằng Sonatrach đã thảo luận với Bộ Chuyển đổi năng lượng Italy về khả năng triển khai tuyến cáp truyền điện dưới biển nối bờ biển phía Đông Algeria với đảo Sardinia của Italy.
Theo kế hoạch của Algeria, dự án xây dựng tuyến cáp ngầm nối Algeria với châu Âu sẽ bắt đầu từ khu vực Shafiya ở tỉnh El Tarf ven bờ biển phía Đông của Algeria. Tuyến cáp này sẽ vượt biển Địa Trung Hải đến Sardinia, với công suất truyền tải hàng năm ban đầu ước tính là 2.000 MW.
Khách hàng chính mà Algeria nhắm tới là EC do khu vực này có nhu cầu năng lượng ngày càng tăng kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. EC có thể tài trợ cho các dự án chiến lược, chẳng hạn như năng lượng, bên ngoài châu lục nếu các dự án này nằm trong danh sách các dự án mà EU quan tâm.
Dự án mới kể trên xuất hiện vào thời điểm Algeria đang trong tình trạng dư thừa điện, vượt quá 6.000 MW mỗi ngày. Nguồn thặng dư này xuất phát từ các nhà máy điện khí tự nhiên với sản lượng đạt 137 tỷ m3 trong năm 2023. Sonatrach đặt mục tiêu tăng con số này lên 200 tỷ m3 vào năm 2027./.