Ai Cập kêu gọi thỏa thuận ràng buộc về pháp lý với đập thủy điện GERD
Ai Cập và Sudan đã đàm phán với Ethiopia trong gần một thập kỷ qua nhằm đạt được thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý đối với vấn đề đập GERD, được Addis Ababa đã bắt đầu xây dựng vào năm 2010.
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry ngày 11/2 nhấn mạnh rằng việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý liên quan tới việc tích nước hồ chứa và vận hành đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia (GERD) là "điều cần thiết không thể thiếu."
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hội đồng Đối ngoại Ai Cập (ECFA) khai mạc cùng ngày, Ngoại trưởng Shoukry khẳng định Ai Cập luôn thể hiện "sự kiềm chế và cân nhắc quyền phát triển của người dân Ethiopia, tuy nhiên vấn đề này chưa và sẽ không bao giờ thay thế cho quyền được sống và tồn tại của người dân Ai Cập."
Ông cho biết Trung Đông và châu Phi đang phải đối mặt với thách thức an ninh nguồn nước "nghiêm trọng," đồng thời nhận định một số quốc gia khu vực đang nằm ở những nơi khô hạn và hoang vu nhất trên thế giới.
Ai Cập và Sudan đã đàm phán với Ethiopia trong gần một thập kỷ qua nhằm đạt được thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý đối với vấn đề đập GERD, được Addis Ababa đã bắt đầu xây dựng trên nhánh Nile Xanh vào năm 2010.
[Ai Cập phản đối hành động đơn phương của Ethiopia lên Hội đồng Bảo an]
Tuy nhiên, Ethiopia đã đơn phương hoàn thành ba giai đoạn lấp đầy hồ chứa của đập GERD và thông báo vào tháng 2 năm ngoái rằng tuabin đầu tiên đã bắt đầu phát điện. Vòng đàm phán mới nhất vào tháng 4/2021 tại Kinshasa đã thất bại sau những nỗ lực nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề chia sẻ nguồn nước giữa 3 nước.
Là quốc gia dựa vào sông Nile, Ai Cập lo ngại rằng việc lấp đầy các hồ chứa và vận hành đập GERD một cách đơn phương và nhanh chóng sẽ có tác động tiêu cực đến nguồn cung cấp nước của đất nước này. Trong khi, Sudan cũng quan ngại về việc điều chỉnh lưu lượng nước đến các đập của mình.
Ai Cập hiện cần tới 114 tỷ m3 nước/năm, tuy nhiên nước này chỉ nhận được trung bình 60 tỷ m3, chủ yếu từ sông Nile, do lượng nước mưa và nước ngầm trong sa mạc rất hạn chế./.