ADB dành 20,5 tỷ USD hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2022
Báo cáo thường niên của ADB nêu rõ số tiền 20,5 tỷ USD bao gồm các khoản vay và bảo lãnh, viện trợ, đầu tư vốn chủ sở hữu và hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân.
Ngày 24/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo thường niên năm 2022 cho thấy ngân hàng này đã cam kết chi 20,5 tỷ USD từ các nguồn lực để hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, bất chấp những khó khăn và khủng hoảng kinh tế mới nảy sinh.
Cụ thể, báo cáo của ADB nêu rõ số tiền 20,5 tỷ USD bao gồm các khoản vay và bảo lãnh, viện trợ, đầu tư vốn chủ sở hữu và hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân. Ngân hàng ADB - có trụ sở tại Manila (Philippines), đã huy động thêm được 11,4 tỷ USD tiền vốn đồng tài trợ.
Ngoài ra, ADB cũng đã đưa ra cam kết 6,7 tỷ USD nhằm tài trợ cho việc giảm thiểu tác động và thích ứng khí hậu trong năm 2022, đạt được tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài trợ lũy kế cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2019-2030.
[ADB nâng dự báo về triển vọng kinh tế khu vực châu Á đang phát triển]
Bên cạnh đó, để tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng trong khu vực, ADB cũng dành 3,7 tỷ USD, theo chương trình an ninh lương thực trị giá 14 tỷ USD của ngân hàng, phục vụ việc cung cấp lương thực thiết yếu cho những người cần giúp đỡ nhất và củng cố hệ thống sản xuất lương thực.
Ngân hàng ADB cũng cung cấp tài chính cho các kế hoạch cải cách thể chế nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, củng cố dịch vụ công, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành kinh tế chủ chốt.
ADB cũng đưa ra các cam kết trị giá 3,9 tỷ USD cho khu vực tư nhân, trong đó có khoản hỗ trợ thanh khoản thiết yếu cho các doanh nghiệp đang đối mặt với môi trường kinh doanh đầy thách thức.
Ngân hàng này cũng đã đầu tư trên diện rộng vào cơ sở hạ tầng chất lượng và giáo dục, y tế cũng như các lĩnh vực xã hội khác, góp phần xây dựng khả năng phục hồi kinh tế toàn diện./.