76 năm TTXVN: Anh hùng trong chiến đấu và trong lao động

TTXVN tự hào là cơ quan báo chí được ba lần đón nhận danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005 và 2020).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên Thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960). Người ngồi giữa Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh là nhà báo Huỳnh Ngọc Hường - phóng viên VNTTX. Người đeo kính ngồi sau Bác Hồ là nhà báo Lê Bá Thuyên - Phó Giám đốc VNTTX. (Ảnh: TTXVN)

Suốt chặng đường 76 năm đồng hành cùng đất nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.

TTXVN tự hào là cơ quan báo chí được ba lần đón nhận danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005 và 2020).

Đây chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của TTXVN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước

Ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã phát đi toàn thế giới toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời khắc thiêng liêng ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà và ngày 15/9 trở thành Ngày truyền thống của TTXVN.

Suốt chặng đường 76 năm đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước, TTXVN không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.

TTXVN là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.

[TTXVN đồng hành cùng các sự kiện lớn của đất nước]

Là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo truyền hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ trên 1.000 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.200 cán bộ, công nhân viên toàn ngành), TTXVN là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước.

Sản phẩm Chatbot của Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đoạt giải chất lượng thông tấn của OANA. Đây là giải thưởng được các hãng thông tấn thành viên Ban chấp hành OANA bình chọn tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) từ ngày 18-20/4/2019. Trong ảnh: Thay mặt TTXVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhận Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn của OANA do Chủ tịch OANA nhiệm kỳ 2016-2019 Aslan Aslanov trao tặng. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Đây là một ưu thế riêng có và cũng là trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho TTXVN.

Những sản phẩm thông tin của TTXVN đã trở thành những kênh thông tin tin cậy và nhanh nhạy để từng giờ, từng phút đưa nguồn thông tin dồi dào và phong phú của TTXVN đến với công chúng trong và ngoài nước.

Là trung tâm thông tin đối ngoại quan trọng nhất của cả nước, TTXVN có các bản tin nguồn phát ra thế giới bằng 5 thứ tiếng Anh, Trung, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, cùng các tờ báo in, báo điện tử xuất bản bằng 10 ngữ: Việt Nam, Lào, Khmer, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Nga, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

TTXVN còn được giao nhiệm vụ xuất bản các ấn phẩm báo chí bằng ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện Báo ảnh Dân tộc và Miền núi của TTXVN có 12 ấn phẩm song ngữ: Việt-Khmer, Việt-Bahnar, Việt-Jrai, Việt-Ê đê, Việt-Chăm, Việt-Mông, Việt-K'ho, Việt-M'nông, Việt-Tày, Việt-Xê đăng, Việt-Cơ tu và Việt-Hoa.

TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với trên 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế lớn trên thế giới (như AFP, Reuters, AP, TASS, Tân Hoa xã, Kyodo, Prensa Latina...) và là Ủy viên Ban chấp hành tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA).

Nguồn tin chính thống của TTXVN được đăng tải rộng rãi trên các kênh truyền thông của các hãng đối tác đã góp phần nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Luôn nỗ lực thực hiện tốt chức năng của một hãng thông tấn quốc gia, cung cấp kịp thời thông tin thời sự về mọi mặt của đời sống xã hội trong nước và quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước với một nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục; đồng thời trực tiếp đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng bằng các sản phẩm truyền thông đa dạng, hấp dẫn trên nền tảng công nghệ hiện đại, TTXVN giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu có vai trò định hướng thông tin, là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Anh hùng trong chiến đấu và trong lao động

Ngày 14/6/2001, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 456/2001/QĐ-CTN "về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động" cho TTXVN vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới 1989-1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 21/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen cho Thông tấn xã Việt Nam có đóng góp nổi bật cho công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong công cuộc đổi mới, TTXVN đã kịp thời tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm đổi mới kinh tế đất nước, tư duy kinh tế mới, phân tích những mặt hạn chế của cơ chế cũ; cổ vũ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những thành tựu bước đầu đạt được của công cuộc đổi mới đất nước.

Trên lĩnh vực thông tin đối nội, ngay từ đầu những năm 80, TTXVN đã mạnh dạn cải tiến một bước nội dung và hình thức thông tin cho phù hợp với tình hình mới. Kiên trì bài học phát hiện điển hình, nêu gương điển hình, học tập điển hình, nhân rộng điển hình, một mặt giới thiệu những điển hình của phương thức làm ăn mới, mặt khác phê phán mạnh mẽ những mặt tiêu cực trong xã hội.

Thông tin đối ngoại của TTXVN phản ánh kịp thời những hoạt động đối ngoại phong phú nhiều mặt của Đảng và Chính phủ; giới thiệu với bên ngoài về đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá cũng như những thành tựu đổi mới.

Thông tin đối ngoại không chỉ chú ý đến những thông tin chính trị ngoại giao mà còn chú ý ngày càng nhiều đến các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội... hay giới thiệu về chính sách, pháp luật, đất nước, con người của Việt Nam. Số lượng và chất lượng thông tin ngày càng được nâng cao.

TTXVN còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập, quản lý và khai thác tốt kho lưu trữ tư liệu phim quốc gia với 1 triệu kiểu phim tư liệu có giá trị, trong đó có hàng vạn kiểu phim gốc quý giá về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, hơn 5.000 kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Trong giai đoạn này, TTXVN đã nỗ lực trên mọi mặt, đổi mới thông tin, đổi mới kỹ thuật, đổi mới quản lý, đào tạo nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Từ chỗ chỉ có 12 bản tin và một tờ báo tháng thì năm 2001, TTXVN có 35 ấn phẩm, trong đó có các loại hình Tin tham khảo, Tin phổ biến, các tờ báo đối nội, đối ngoại ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, các Tài liệu chuyên đề, các bản tin và báo điện tử bằng 5 ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Việt... với 61 phân xã trong nước, 23 phân xã ở khắp 5 châu lục.

Từ tháng 9/1999, với sự ra đời của Trung tâm Nghe-nhìn Thông tấn, TTXVN đã bắt đầu phát triển hình thức thông tin bằng hình ảnh động và chuẩn bị cho những bước phát triển xa hơn về kỹ thuật ảnh mới sau này.

Ngày 17/3/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 205/2005/QĐ-CTN "về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ và hy sinh của dân tộc, những người làm báo của TTXVN đã thực sự là những chiến sỹ trên chiến trường, chiến đấu bằng cả ngòi bút và súng đạn.

Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, VNTTX ở miền Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam trên 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Không một chiến trường, không một hướng tiến công, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của TTXVN.

Cán bộ, phóng viên TTXVN đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để phát tin, ảnh nhanh chóng, kịp thời, chính xác về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam, cổ vũ mạnh mẽ những gương chiến đấu hy sinh, góp phần tạo ra phong trào thi đua sôi nổi ở cả tiền tuyến và hậu phương quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thông tin của TTXVN còn là nguồn tin hết sức quan trọng, giúp Trung ương phân tích, nhận định tình hình để đi đến quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, có gần 260 phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường từ Việt Bắc tới Cà Mau và làm nhiệm vụ quốc tế, chiếm hơn 25% số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh, chiếm bốn phần năm số nhà báo cả nước hy sinh. Ðó là sự hy sinh, là sự đóng góp to lớn của TTXVN cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) có tên trong danh sách này.

TTXGP là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, Giải phóng xã cũng cung cấp tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng.

Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960-1975), TTXGP luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TTXGP tung ra hai cánh quân lớn cùng với phóng viên VNTTX bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng… Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã đã kịp thời ghi lại thời khắc lịch sử của dân tộc.

TTXGP còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Hằng ngày, các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của TTXGP, phục vụ đắc lực công việc đàm phán, đồng thời tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.

Với việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thông tin và trực tiếp tham gia chiến đấu với những chiến công và sự hy sinh to lớn, TTXGP đã góp phần tích cực vào trang sử oanh liệt của quân và dân miền Nam anh dũng, bất khuất, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng./.

Minh Duyên (TTXVN/Vietnam+)