68 tỷ USD bị rút khỏi Credit Suisse chỉ trong quý 1 năm 2023

Khách hàng của Credit Suisse đã nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng này sau khi Credit Suisse rơi vào cuộc khủng hoảng thị trường dấy lên từ sự sụp đổ của SVB và Signature Bank.

Một tòa nhà của Credit Suisse tại Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 4/4/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo ngày 24/4 của Credit Suisse, trong quý 1/2023, có 61 tỷ franc Thụy Sĩ (68 tỷ USD) đã được rút khỏi ngân hàng này, phản ánh quy mô của cuộc “tháo chạy” dẫn  đến sự sụp đổ của ngân hàng 167 năm tuổi này.

Đây có thể được coi là lần báo cáo cuối cùng của ngân hàng này khi cuộc sáp nhập chóng vánh với ngân hàng UBS dự kiến sẽ sớm hoàn tất.

Báo cáo cho biết tài sản do bộ phận quản lý tài sản quan trọng nhất của Credit Suisse quản lý đã giảm xuống 502,5 tỷ franc vào cuối tháng 3 năm nay, so với 707 tỷ franc cùng kỳ năm 2022.

Khách hàng của Credit Suisse đã nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng này sau khi ngân hàng này rơi vào cuộc khủng hoảng thị trường dấy lên từ sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ là Silicon Valley BankSignature Bank.

Các nhà chức trách Thụy Sĩ trong bối cảnh đó đã phải đưa ra biện pháp giải cứu, trong đó có gói bảo lãnh tài chính hơn 200 tỷ franc và để UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ tiếp quản Credit Suisse với giá 3 tỷ franc bằng cổ phiếu và tiếp nhận khoản lỗ lên đến 5 tỷ franc.

[Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ tiếp tục bị khởi kiện]

Trả lời phỏng vấn tờ Le Temps ngày 8/4, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Keller-Sutter khẳng định chính phủ Thụy Sĩ đã làm hết sức có thể để giảm thiểu tối đa tác động từ vụ sụp đổ của Credit Suisse đến nền kinh tế cũng như với người dân.

Ngay khi nhận thấy khả năng phá sản của ngân hàng này, chính phủ đã điều phối thương vụ sáp nhập với UBS ngay trong cuối tuần trước khi thị trường mở lại.

Ngoài ra, 120 tỷ USD cũng đã được huy động từ các khoản đảm bảo của chính phủ cùng sự hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ để giải cứu Credit Suisse.

Bà Keller-Sutter nhấn mạnh nếu không có sự can thiệp kiên quyết của giới chức tài chính, Credit Suisse đã phá sản vào ngày 20/3 và kéo theo sự sụp đổ của kinh tế Thụy Sĩ.

Bà cho biết ưu tiên của chính phủ Thụy Sĩ hiện nay là hoàn tất việc sáp nhập và còn quá sớm để thảo luận về cấu trúc tương lai của UBS, vốn được đánh giá có thể trở thành một siêu ngân hàng với số tài sản đã đầu tư có giá trị lên tới 5.000 tỷ USD./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)