50 năm thống nhất đất nước: Vùng "đất lửa" Xuân Lộc đơm hoa
Từ những vùng đất bị cày xới bởi bom đạn của chiến tranh năm xưa, nay Xuân Lộc-Long Khánh, Trảng Bom đã trở thành những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai và cả nước.
Sau khi mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc của địch, quân và dân ta với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” thực hành trận tiến công hiệp đồng binh chủng, nhanh chóng tiêu diệt quân địch co cụm tại Yếu khu Trảng Bom, đập tan một "mắt xích" quan trọng trong hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch, tạo thế và lực cho các lực lượng, binh khí kỹ thuật của Quân đoàn 4 và lực lượng cơ động của Bộ Tư lệnh tiến công, giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn-Gia Định, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hiệp đồng tiêu diệt quân địch
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, được tiếp nối và đồng thời với Chiến dịch Trị Thiên-Huế, Chiến dịch Đà Nẵng... làm rung chuyển chế độ Sài Gòn.
Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đập tan Quân đoàn 1-Quân khu 1, Quân đoàn 2 -Quân khu 2 của địch, giải phóng hơn một nửa diện tích đất đai, một nửa số dân toàn miền Nam, thu giữ khối lượng lớn vật chất, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch.
Căn cứ vào những chuyển biến mau lẹ trên chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị chỉ đạo quân và dân ta đẩy mạnh nhịp độ tiến công, “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng,” giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo khoa học về chiến thắng Trảng Bom trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Đồng Nai vừa qua, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết ngay sau khi mất Xuân Lộc-Long Khánh, lực lượng địch rút về tăng cường củng cố tuyến phòng thủ từ Trảng Bom-Hố Nai-Biên Hòa để bảo vệ Sài Gòn.
Lực lượng địch gồm các chiến đoàn 48, 43 và 52, cùng các đơn vị binh chủng, lực lượng bảo an dân vệ, biệt động, hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc, nhằm ngăn chặn ta tiến quân theo trục đường số 1.
Thực hiện kế hoạch chiến đấu, đúng 4 giờ 5 phút, ngày 27/4/1975, lệnh nổ súng tiến công Yếu khu Trảng Bom được phát đi cho tất cả các đơn vị trong Sư đoàn.
Sau hỏa lực chuẩn bị của pháo binh, xe tăng và bộ binh hiệp đồng chặt chẽ liên tục tiến công, điều chỉnh lực lượng kịp thời khi có tình huống phát sinh, lần lượt tiêu diệt các mục tiêu của địch. Sư đoàn 341 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, kẻ thù chọn địa bàn Đồng Nai để xây dựng hậu cứ trực tiếp cho đội quân của chúng. Địch mở rộng, hiện đại hóa sân bay chiến lược Biên Hòa và xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn như Quân đoàn 3, Nha Cảnh sát miền Đông, Bộ Tư lệnh dã chiến 2, Trung tâm huấn luyện Nước Trong... cùng hệ thống các kho tàng (lớn nhất là Tổng kho liên hợp hậu cần Long Bình) nhằm củng cố và bảo vệ chính quyền Sài Gòn.
Xuân Lộc-Đồng Nai còn là nơi địch lập “phòng tuyến thép” trong nỗ lực cuối cùng bảo vệ chế độ tay sai.
“Chiến thắng Trảng Bom đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Sư đoàn 341 trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, sự phối hợp giữa tiến công và nổi dậy của quân và dân Đồng Nai trên địa bàn phức tạp, làm tiền đề quan trọng giải phóng hoàn toàn Biên Hòa, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước,” ông Nguyễn Sơn Hùng cho biết.
"Đất lửa" đơm hoa
Từ những vùng đất bị cày xới bởi bom đạn của chiến tranh năm xưa, nay Xuân Lộc-Long Khánh, Trảng Bom đã trở thành những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Trong số đó, năm 1991, huyện Xuân Lộc được chia tách thành hai huyện Xuân Lộc và Long Khánh.
Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn thí điểm và đã hoàn thành xây dựng “huyện nông thôn mới nâng cao.”
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Lộc, cho biết đến nay bộ mặt nông thôn Xuân Lộc có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 95 triệu đồng/người/năm.

Hiện 14/14 xã thuộc huyện đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Xuân Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn “nông thôn mới nâng cao” và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai công nhận hoàn thành Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững."
Với huyện Trảng Bom, ngày 1/1/2004, Nghị định số 97/NĐ-CP của Chính phủ đã chia tách huyện Thống Nhất cũ thành 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất hiện nay.
Từ một huyện thuần nông, sau 50 năm giải phóng và hơn 20 năm tái lập, huyện Trảng Bom phát triển năng động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng cao, đạt bình quân trên 17%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tỷ trọng công nghiệp-xây dựng đạt 83,2%; thương mại-dịch vụ đạt 14,1%; nông nghiệp đạt 2,7%). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân từ 15%/năm trở lên.
Nếu như năm 2004, huyện chỉ có 115 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, thì đến nay Trảng Bom đã thu hút 223 dự án đầu tư FDI, với tổng số vốn đăng ký 3,4 tỷ USD; có 4 khu công nghiệp tập trung và 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút trên 118.000 lao động.
Ông Lê Tuấn Anh, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom cho biết phát huy truyền thống cách mạng, những chiến công của quân và dân huyện nhà trong đấu tranh cách mạng, đỉnh cao là chiến thắng Yếu khu Trảng Bom trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược cách đây gần 50 năm và thành tựu đạt được trong thực hiện sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Trảng Bom quyết tâm xây dựng huyện giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững vàng về quốc phòng và an ninh trong thời gian tới.
Huyện chú trọng chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; trong đó, coi trọng đổi mới, hoàn thiện cơ chế đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững theo hướng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Huyện chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là với địa phương có tính đặc thù về tôn giáo; phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tích cực đóng góp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, những vùng “đất thép” năm xưa nay đã “đơm hoa” và cho trái ngọt.
Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương Xuân Lộc, Trảng Bom nói riêng và Đồng Nai nói chung đã và đang dành sự quan tâm đến các đối tượng chính sách, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Hiện nay toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 16.000 người đang hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng theo chế độ, trong đó có các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình chính sách.

Về thăm huyện Xuân Lộc vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 24/3 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chăm lo cho các đối tượng chính sách; chú ý quan tâm đến người lao động đến từ các tỉnh, thành khác đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng ngày 30/4/1975, huyện Xuân Lộc và tỉnh Đồng Nai cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, thì ngày 30/4/2025, huyện Xuân Lộc và tỉnh Đồng Nai bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.