5 chuyên ngành lĩnh vực giao thông đều được quan tâm đầu tư vào đúng điểm nghẽn
Điểm nhấn trong năm 2023 là tất cả 5 chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải đều được quan tâm đầu tư vào đúng điểm nghẽn, các công trình đều mang tính chiến lược, động lực và đột phá.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 5/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, sự phối hợp của bộ ngành và vào cuộc của các địa phương, kết quả phát triển kết cấu hạ tầng vừa qua là một trong ba khâu đột phá của năm 2023, đạt được khối lượng lớn.
Các công trình mang tính đột phá
Điểm lại những con số nổi bật, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết năm 2023 đã khởi công 26 công trình, khánh thành 20 công trình của 5 lĩnh vực chuyên ngành và trên 6 vùng kinh tế. Điểm nhấn là tất cả 5 chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải đều được quan tâm đầu tư vào đúng điểm nghẽn, các công trình đều mang tính chiến lược, động lực và đột phá.
Cụ thể hơn, theo ông Huy, về hàng không, cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp dự lễ khánh thành sân bay Điện Biên. Lần đầu tiên máy bay tầm trung A320, A321, Boeing 787 có thể cất/hạ cánh trực tiếp tại sân bay Điện Biên, kết nối với đường bay dài tới Thành phố Hồ Chí Minh và các quốc gia trong khu vực châu Á. Bên cạnh đó, trong năm còn khánh thành nhà ga hành khách Phú Bài, khởi công hai nhà ga lớn là Nhà ga T3- Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Về hàng hải, các luồng cho tàu biển lớn vào cảng biển lớn đều được đầu tư hoàn thành. Dự án lớn nhất có thể kể đến là luồng Nghi Sơn từ phao số 0; thứ 2 là luồng từ phao số 0 vào cảng CMIT khu vực Cái Mép-Thị Vải, có thể đón tàu lên tới 100.000 tấn mà không cần chờ thủy triều.
Về đường sắt, năm vừa qua, tuyến đường sắt hiện hữu đã được nâng cấp và đưa vào khai thác rất hiệu quả. Trong vòng 10 năm gần đây, lần đầu tiên, Bộ Giao thông Vận tải mở mới 1 ga liên vận quốc tế tại tỉnh Bắc Giang. Chỉ sau 3 tháng quyết định mở mới ga liên vận, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và cả lực lượng hải quan đã hoàn thành cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa.
“Từ ga liên vận này, lần đầu tiên hàng hoá có thể xuất khẩu trực tiếp từ Bắc Giang sang Trung Quốc cũng như chiều ngược lại, dự kiến khối lượng hàng hoá xuất khẩu qua ga này lên đến 12 tỷ USD/năm, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc nông sản hàng năm," ông nói.
Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam cũng đã nâng cấp, mở ra các kho hàng, bãi hàng, kho liên vận quốc tế như từ ga Yên Viên mở thẳng sang ga Thạch Gia Trang (Trung Quốc) với 2 đôi tàu chạy liên tục hằng tuần hay tuyến đường sắt liên vận chạy thẳng từ ga Sóng Thần (Bình Dương) sang Trung Quốc. Đáng nói, trong 5 năm trở lại đây, nhờ phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kinh doanh có lãi.
Đưa vào khai thác gần 500 km đường cao tốc
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ngay đầu năm 2024, đã khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, được đầu tư thực hiện bằng phương thức PPP.
Ngoài ra, về đường thuỷ nội địa, có nhiều dự án đường thủy ấn tượng như dự án kênh nối Đáy-Ninh Cơ giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí xăng dầu rất lớn. Về phía Nam, tuyến đường kênh Chợ Gạo kết nối từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên Đông Nam bộ cũng sẽ được đưa vào khai thác.
“Một điểm sáng không thể không kể tới là đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Riêng năm 2023, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 475 km đường bộ cao tốc, bằng toàn bộ nhiệm kỳ 2016-2020,” ông Huy thông tin.
Về phân cấp đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, ông Huy cho hay, để trở thành một đất nước hiện đại phát triển, một trong những điều kiện tiên quyết phải có là hạ tầng phát triển.
Đưa thêm thông tin ông cho biết năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đó là bức tranh của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
“Để đầu tư thực hiện kế hoạch đó là khối lượng công việc khổng lồ. Dự kiến đến năm 2030, khối lượng vốn đầu tư lên đến 2 triệu tỷ đồng, chưa kể đòi hỏi nguồn nhân lực thời gian rất lớn… do đó không thể thiếu sự tham gia của các địa phương,” ông nói.
Việc phân cấp phân quyền trong đầu tư kết cấu hạ tầng vừa qua đã cho thấy ngay hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trương là tập trung vào quản lý Nhà nước, chỉ thực hiện các dự án có tính phức tạp cao, sử dụng công nghệ mới.
Thực tiễn đã chứng minh, như tại Quảng Ninh có nhiều dự án do địa phương thực hiện như: Hạ Long-Vân Đồn; Vân Đồn-Móng Cái… các địa phương đã chủ động xin được phân cấp là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án. Hay như vừa qua đã khánh thành tuyến Tuyên Quang-Phú Thọ do chính Tuyên Quang chủ trì đầu tư… Ngoài ra, các dự án trục ngang từ Buôn Mê Thuột-Vân Phong, Biên Hòa-Vũng Tàu… đều rút ngắn thời gian khởi công. Các địa phương đều chủ động giải phóng mặt bằng và thu xếp nguồn vật liệu xây dựng thực hiện dự án.
"Như vậy, về phân cấp uỷ quyền có 2 điểm nhấn, đó là tất yếu khách quan và việc đầu tư phân cấp đã và đang phát huy hiệu quả tốt," ông Nguyễn Danh Huy nói.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá, năm vừa qua ngành giao thông có nhiều điểm sáng về đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia các dự án xây dựng cảng nước sâu, cảng container như ở Cần Giờ, Ninh Chiểu…
Về đường bộ, không chỉ là phân cấp cho địa phương cùng làm mà việc huy động nguồn vốn theo phương thức PPP cũng đã thực hiện tốt.
"Như chúng ta đã thấy, ngày 1/1 vừa qua đã khởi công tuyến đường cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị đi Trà Lĩnh (Cao Bằng) thực hiện bằng phương thức đối tác công tư (PPP). Sân bay Điện Biên cũng sẽ hoàn thành nâng cấp, mở rộng trong năm nay 2024," Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.../.